06:00 28/04/2021

Nở rộ loại hình góp vốn đầu tư lãi suất cao, cẩn trọng kẻo mất trắng

Đào Hưng - Trâm Anh

"Theo nguyên lý thị trường, đầu tư kinh doanh phải chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp nào huy động vốn, đảm bảo an toàn, chỉ có lãi… thì là bịp bợm, dụ dỗ khách hàng, là hoang đường..."

Trong khi dòng tiền rẻ vẫn tắc tại ngân hàng khiến lãi suất tiết kiệm bất động nhiều tháng nay, thì các công ty tài chính lại đang công khai kêu gọi người dân gửi vốn, tham gia đầu tư với lãi suất cao ngất ngưởng.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM VẪN Ở ĐÁY

Khảo sát một vài biểu niêm yết trên thị trường, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mặt bằng thấp, thậm chí nhiều ngân hàng còn tiếp tục điều chỉnh giảm.

Cuộc đua tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong năm 2021 vì đây là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, lãi suất của dòng vốn này chỉ quanh mức 0,2%/năm.

Thực tế, tại mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, đa số ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng tỷ trọng CASA trong tổng tiền huy động. Chẳng hạn như BIDV mong muốn tăng tỷ lệ này lên tối thiểu 16% trong năm nay. Hay như MSB đặt chỉ tiêu CASA đạt mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, ngân hàng vẫn đang duy trì chiến lược phát triển tiền gửi không kỳ hạn, mặc dù mức chung của thị trường chỉ khoảng 22% nhưng tại Techcombank đã lên tới 46,1%. “Mục tiêu của ngân hàng là đạt tỷ lệ CASA 55% vào năm 2025”, ông Hùng Anh chia sẻ.

Ngược lại, ở đầu ra, do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ hạn chế không như kỳ vọng nên nhiều ngân hàng chỉ ưu tiên vốn cho một vài ngành kinh tế trọng điểm.

Với việc định hướng tăng trưởng CASA mạnh nhưng đầu ra tín dụng lại bị siết, diễn biến chung của các ngân hàng hiện nay là không dám huy động vốn.

Tại VIB, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm ở tất cả các khung tiền gửi. Mức hạ này còn xuất hiện ở kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng, trong đó, tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất giảm từ 5,6%/năm xuống 5,3%/năm; trên 1 tỷ lãi suất giảm từ 5,7%/năm còn 5,4%/năm.

Hay như tại VietABank, ngân hàng này vừa điều chỉnh tăng ở tháng trước nhưng sang tháng này lại hạ 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm nhẹ ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên còn có DongABank, Techcombank, Kienlongbank…

Tại một cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, số lượng đơn vị dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý 2 cao hơn nhiều so với số đơn vị dự báo mặt bằng lãi suất tăng. Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất tính đến cuối năm 2021 về cơ bản xoay quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020.

MỒI NHỬ LÃI SUẤT CAO

Theo quảng cáo trên website của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Nhật Nam, dù mới thành lập từ tháng 7/2019 nhưng công ty này đã có hơn 8.000 nhà đầu tư tham gia hợp thác kinh doanh. Điều đáng nói, mức lãi suất công ty cam kết với nhà đầu tư lên tới 168%/24 tháng, tức cao gấp 12 lần lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Liên hệ với công ty Nhật Nam, phóng viên VnEconomy được tư vấn viên D.K.L chào mời, với mức đầu tư linh hoạt, khách hàng chỉ cần bỏ ra từ 20 triệu đến 5 tỷ đồng trong thời hạn 2 năm, có thể nhận lãi suất khủng và giảm giá bất động sản và các dịch vụ khác của công ty.

“Hàng ngày, khách hàng sẽ nhận khoản tiền đều đặn vào tài khoản tài khoản cá nhân, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Tết. Phần vốn hoàn và lợi nhuận cam kết sẽ được bắt đầu tính sau 2 ngày làm việc”, tư vấn D.K.L nói.

Hiện khách hàng có 2 lựa chọn để góp vốn. Trong đó, nếu theo chương trình truyền thống, khách hàng đầu tư 300 triệu, khách hàng sẽ nhận 750 nghìn đồng/ngày, bao gồm cả gốc và lãi. Như vậy, mỗi tháng với 20 ngày làm việc, khách hàng sẽ nhận về tài khoản 15 triệu đồng. Sau 24 tháng, nhận 360 triệu, trong đó 300 triệu tiền gốc và 60 triệu tiền lãi, tương ứng lãi suất 10%/năm. Và sau cùng, được tặng thêm một thẻ giảm giá 300 triệu khi mua bất động sản của công ty.

 

Các mô hình đầu tư lấy lãi khủng mà không cần làm gì vẫn liên tục xuất hiện, quảng bá rầm rộ trên các trang mạng xã hội và công khai chào mời, lôi kéo người tham gia.

Theo chương trình thứ hai, tức chương trình ưu đãi nhân dịp công ty khai trương thêm văn phòng tại Hà Nội , khách hàng chỉ cần đầu tư như trên 300 triệu, sẽ nhận được số tiền lên tới 1,05 triệu/ngày, tính cả gốc và lãi. Mỗi tháng 20 ngày làm việc, khách hàng sẽ nhận về tài khoản 21 triệu đồng. Sau 24 tháng, nhận 504 triệu đồng, trong đó, 300 triệu tiền gốc và 204 triệu tiền lãi, tương ứng mức 34%/năm.

Hối thúc khách hàng số suất hợp tác là hữu hạn, và chỉ có một ngày để cân nhắc, tư vấn viên D.K.L không quên nhắn nhủ chỉ khách hàng may mắn, mới nhận được suất đầu tư dịp này.

Để tạo thêm độ tin cậy, tư vấn viên trên còn tiết lộ, sở dĩ công ty này có thể chi trả lợi nhuận hấp dẫn như trên là do sở hữu nhiều mảng kinh doanh với trọng tâm là hàng loạt bất động sản trải khắp các tỉnh thành từ Hà Nội, Thanh Hóa, Kiên Giang, Tây Ninh, Hà Nam, Đắc Lắk… với những “mối quan hệ tốt” để phát triển kinh doanh.

Cũng quảng cáo đảm bảo mức lãi suất cao, sinh lời bền vững, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bất động sản Blue Diamond có trụ sở tại Quận 3, Tp. HCM mời gọi mức lãi suất trong mơ 105% chỉ trong 20 tháng. Trong đó, Blue Diamond vừa tung ra chương trình tri ân nhà đầu tư thân thiết, chỉ với 60 triệu nhận ngay 6.160.000 đồng/tháng. Tổng nhận về sau 20 tháng đạt 123 triệu, đồng thời, tri ân 3 lượng vàng SJC.

“Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà đầu tư sẽ nhận được số tiền cả gốc và lãi gấp đôi, đồng thời đi kèm nhiều lợi ích, từ việc giảm giá 10% mọi dịch vụ thuộc hệ thống kinh doanh của công ty”, tư vấn viên của Blue Diamond gửi lời chào mời.

Ngoài hai trường hợp điển hình kể trên, các mô hình đầu tư lấy lãi khủng mà không cần làm gì vẫn liên tục xuất hiện, quảng bá rầm rộ trên các trang mạng xã hội và công khai chào mời, lôi kéo người tham gia. Hoặc chỉ cần gõ từ khoán tìm kiếm “đầu tư tài chính”, hàng loạt quảng cáo chào mời đầu tư lãi cao sẽ xuất hiện.

THAM LAM DỄ PHẢI TRẢ GIÁ

Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động vốn, vay mượn nhiều hay ít, hoàn toàn do doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường quyết định. Tất cả các hình thức huy động, từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, hay huy động bằng các hình thức hợp tác hợp đồng kinh doanh, pháp luật đều không cấm.

 

“Các nhà đầu tư, người dân tham gia hợp tác kinh doanh phải tỉnh táo, cơ hội đi liền với lãi suất, rủi ro đi liền với lợi nhuận. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi đầu tư. Lãi suất cao, lên đến hàng trăm phần trăm, thì khả năng mất trắng cũng trong tầm tay, trong nháy mắt. Nhà đầu tư phải xem xét về nguy cơ, khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền để trả lãi, không cân đối được dòng tiền, doanh nghiệp sẽ sập bất cứ lúc nào”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Hiện có hai dạng hợp tác kinh doanh, ông Đức chỉ rõ, thứ nhất, nhà đầu tư tham gia, cùng quản lý, cùng chịu trách nhiệm, “lời ăn, lỗ chịu”. Đây là hình thức hợp tác kinh doanh sòng phẳng. Thứ hai, bên hợp tác không can thiệp, không tham dự, đưa quyết định trong quá trình kinh doanh. Các doanh nghiệp chỉ cần báo lãi, lỗ, một phần do nhà đầu tư không có chuyên môn, được bao nhiêu thì biết bấy nhiều, nhưng đi kèm rủi ro lớn.

“Một loại hình khác, doanh nghiệp, tổ chức vay tiền nhà đầu tư, sau đó trả lãi, với mức độ cố định, là gian lận, nhập nhèm, mập mờ”, ông Đức nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này phân tích, theo nguyên lý thị trường, đầu tư kinh doanh, phải chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp nào huy động vốn, đảm bảo an toàn, chỉ có lãi … thì là bịp bợm, dụ dỗ khách hàng, là hoang đường. Bên huy động phải thẳng thắn cơ hội rất nhiều, rủi ro là có, năm ăn năm thua.  

Ngoài ra, theo Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Nếu các bên không phát sinh tranh chấp liên quan tới các hợp đồng vay tiền, không khởi kiện, không yêu cầu Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết thì hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng với mức lãi suất vượt trần.

Theo đó, các doanh nghiệp lách luật ở chỗ, nếu thông báo trả lãi suất 21% là phạm luật, nên “lách” luật bằng cách kêu gọi hợp tác đầu tư kinh doanh, có thể lên hàng trăm phần trăm. “Thực chất, đầu tư chỉ là mong muốn, hứa hẹn của nhà đầu tư, nếu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì lãi suất có thể lên đến hàng trăm phần trăm, nhưng phải luôn chỉ rõ rủi ro, sòng phẳng với nhà đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.