Nới lỏng tăng trưởng tín dụng: Có nên để các ngân hàng chủ động?
Do nhiều ngân hàng mở rộng tín dụng khá khiêm tốn trong quý 1 nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho 3 quý cuối năm
Ngay từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay chỉ 14% (tương đương năm 2018), mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Dù vẫn để ngỏ việc linh hoạt thay đổi tăng hạn mức tăng trưởng theo từng ngân hàng tùy vào tình hình thị trường và kinh tế vĩ mô, nhưng động thái của Ngân hàng Nhà nước cho thấy cơ quan này đang tiếp tục quản chặt tín dụng.
Việt Nam đang đối mặt với rủi ro đến từ việc tổng tín dụng trong nước đang tăng nhanh hơn nhiều so với GDP danh nghĩa. Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tổng tín dụng trong nước hiện tăng lên mức 130% của GDP (so với mức 20% cách đây 20 năm).
Trong bối cảnh này, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và World Bank khuyến nghị tăng trưởng tín dụng cần phải được tiết chế lại nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giới phân tích nhận định không nằm ngoài mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Ngân hàng mong được nới lỏng tín dụng
Trong các năm trước, Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giao cho từng ngân hàng chỉ tiêu ban đầu vào quý 1, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế sẽ điều chỉnh vào quý cuối năm nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm nằm trong hạn mức cho phép. Thực tế trong năm 2018 vừa qua, chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao cho từng ngân hàng vào đầu năm phổ biến ở mức 14-15% và sau đó đã tăng lên 18-20% cho một số ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm.
Trong năm 2019, các ngân hàng như ACB, MBB, HDB, TPB, TCB được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13%. Một số ngân hàng được giao chỉ tiêu thấp hơn gồm BID (12%), VPB (12%) và CTG (do CTG đang triển khai đề án tái cơ cấu). Đặc biệt, VCB (một trong 3 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng Thông tư 41 trước thời hạn vào cuối năm 2018) được giao chỉ tiêu cao hơn ở mức 15%.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tuyên bố các ngân hàng tuân thủ Thông tư 41 trước hạn sẽ được ưu tiên về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển mạng lưới. Do đó, ngoài VCB, giới đầu tư kỳ vọng rằng hai ngân hàng được phê duyệt tuân thủ trong năm 2018 còn lại là VIB và OCB cũng sẽ nhận được hạn mức ban đầu cao hơn so với các ngân hàng khác.
Trong tháng 4/2019, có thêm 4 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 trước hạn là MBB, ACB, TPB và VPB. Theo đó, các ngân hàng này sẽ bắt đầu áp dụng chuẩn mực an toàn vốn mới từ 1/5/2019. Các ngân hàng này đều kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao hồi đầu năm.
Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng
Theo kết quả quý 1 vừa công bố, tăng trưởng tín dụng thực tế tại các ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa. CTG (+1,1%), BID (+3,6%), ACB (+2,7%) và TCB (-0,3%) là những ngân hàng mở rộng tín dụng quý 1 khá khiêm tốn nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho 3 quý cuối năm.
Ngược lại, một số ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ngay từ quý đầu năm như TPB (+11,3%), OCB (8,6%), MBB (+8,4%), VPB (+6,9%) đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu được giao ban đầu. Đây đều là những ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm cao hơn so với hạn mức được giao và kỳ vọng được cấp thêm hạn mức tín dụng nhờ đáp ứng tuân thủ Thông tư 41.
Trong bản báo cáo mới nhất về tăng trưởng tín dụng, chuyên viên phân tích của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với tình hình dư địa tăng trưởng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) trở nên hạn chế, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào việc mở rộng tín dụng.
Tuy vậy, hiện mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước giao ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều ngân hàng. Vì vậy, việc có được điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức hiện tại hay không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập lãi cũng như kết quả lợi nhuận cả năm của nhiều ngân hàng.
Không thể phủ nhận việc điều hành bằng công cụ hạn mức tín dụng đã góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được các mục tiêu vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế này cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng của nhiều ngân hàng cũng như công ty tài chính tiêu dùng tốt.
Căn cứ theo diễn biến của năm 2018, dù Ngân hàng Nhà nước có chấp thuận nới chỉ tiêu thì mức tối đa cho từng ngân hàng vẫn khó có thể vượt quá 20%, vì vậy mức độ tăng trưởng tín dụng cao của nhiều ngân hàng đặt ra năm nay có thể là mục tiêu khá tham vọng.
Trong năm nay, nhiều ngân hàng đang và chuẩn bị được áp dụng chính thức Thông tư 41, với những quy định chặt chẽ hơn nhiều về tiêu chuẩn an toàn vốn so với Thông tư 36 hiện tại.
Do đó, VDSC cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án để cho các ngân hàng có thể tự chủ tốc độ tăng trưởng tín dụng, miễn là vẫn thỏa mãn các hệ số an toàn theo quy định. Điều này nhằm đảm bảo nguồn lực tín dụng được phân bổ hợp lý và các ngân hàng sẽ thực sự có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả và các chỉ số an toàn hoạt động để được hưởng các ưu đãi về tăng trưởng tín dụng xứng đáng.