Nước rút sửa đổi những bất cập trong 10 Luật
Bộ Tư pháp đề nghị các bộ trưởng phải trực tiếp báo cáo giải trình tại các phiên họp thẩm tra của Quốc hội liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 10 luật theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19…
Cuộc họp về việc hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật đang được tiến hành sửa đổi hiện nay đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
BỘ TRƯỞNG PHẢI TRỰC TIẾP GIẢI TRÌNH
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đây là những dự án luật khó, sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác nhau nên cần đề nghị Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo khi các cơ quan Quốc hội tiến hành thẩm tra thì Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ Xây dựng phải trực tiếp báo cáo giải trình tại các phiên họp thẩm tra này.
Trước đó, ngày 20/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2021. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật sẽ được cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2021.
Nghị quyết đã thông qua đề xuất nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Nghị quyết nhấn mạnh, việc sửa đổi này nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện. Cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh. Hỗ trợ phòng, chống Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước.
Nghị quyết đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật này theo hướng chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm. Những vấn đề còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật và những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn từ nhiều năm nay, đang gây khó khăn, vướng mắc, cần phải khắc phục ngay.
PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
Báo cáo tại cuộc họp ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp cho biết, qua lấy ý kiến ban đầu cơ bản các bên liên quan đã đồng ý với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung 10 Luật để trình Chính phủ. Tuy nhiên, có một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, trong dự thảo Luật khi đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư công có quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Về nội dung này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu phân quyền quyết định danh mục, chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi… thì phải mở rộng phạm vi sửa đổi Điều 29 Luật Quản lý nợ công và Điều 25 Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì Chính phủ cần thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước nhằm có các cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn nợ công cũng như việc lập, thẩm định và phân bổ vốn ngân sách Trung ương, phần vốn nước ngoài trung hạn và hàng năm… Do đó những dự án sử dung vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cần được Thủ tướng xem xét, quyết định.
Liên quan đến Luật Đầu tư, khi lấy ý kiến sửa đổi có đề nghị cho rằng cần bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái là đối tượng được ưu đãi đầu tư.
Bộ Tư pháp đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương bổ sung hồ sơ đánh giá tác động, nhất là đánh giá khi sửa điều khoản của 10 Luật này thì sẽ kéo theo điều khoản nào khác cần sửa đổi ở các luật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Tuy nhiên, khi tham khảo thêm ý kiến về việc này Bộ Tư pháp nhận thấy việc sửa đổi quy định này liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu chỉ sửa đổi trong Luật Đầu tư thì khó thực thi do đó phải sửa cả Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo Báo cáo, nội dung sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở quy định việc “sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng nhà ở thương mại” đã được đưa ra nhưng đến nay chưa có cơ quan đề xuất, không có hồ sơ trình. Do đó Bộ Tư pháp đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương bổ sung hồ sơ đánh giá tác động, nhất là đánh giá khi sửa điều khoản này thì sẽ kéo theo điều khoản nào khác cần sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Dự thảo Luật sửa đổi 10 Luật của Bộ Tư pháp còn đề nghị sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư quy định về một số dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư và đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư quy định “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt…”.
Về việc này Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng để thống nhất sửa đổi trước hết phải nhắc đến tiêu chí dự án đầu tư có quy mô dân số tương đương đô thị loại III, còn con số thì sẽ nghiên cứu quy định cho minh bạch.
“Dự án đầu tư có quy mô sử dụng bao nhiêu ha đất hoặc quy mô dân số bao nhiêu người còn phụ thuộc vào chính sách quản lý các loại đất và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19…”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.