15:39 25/02/2008

Oằn lưng “gánh” lạm phát

Kiều Oanh

Giá thực phẩm đang là nỗi ám ảnh của nhiều người Việt Nam trong những ngày này

Đại bộ phận tầng lớp người dân lao động ở Việt Nam đang khốn khổ vì tình trạng lạm phát tăng cao.
Đại bộ phận tầng lớp người dân lao động ở Việt Nam đang khốn khổ vì tình trạng lạm phát tăng cao.
Mới đây, tờ Straits Times của Singapore có đăng bài viết của tác giả Roger Mitton nhận định về những khó khăn mà người lao động Việt Nam phải đương đầu trong bối cảnh giá cả tăng chóng mặt. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Dạo một vòng quanh vài khu chợ ngoại ô của Việt Nam là một cách tốt để tìm hiểu xem sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đang có ảnh hưởng ra sao đến người dân ở đây.

Ám ảnh giá thực phẩm

Trong thời tiết lạnh giá bất thường, những người đi chợ vừa xuýt xoa vì lạnh lại vừa trông thật phiền muộn khi đứng quanh những quầy bán thịt, mặc dù không hề thiếu thịt để bán cho họ.

Giá thực phẩm đang là nỗi ám ảnh của nhiều người Việt Nam trong những ngày này. Chuyến tàu phát triển kinh tế dường như đang bỏ họ lại phía sau.

Cô Nguyễn Thị Hoa là một nữ công nhân may 28 tuổi làm việc 6 ngày mỗi tuần tại một công ty dệt ở Hà Nội với mức lương 70 USD/tháng. Chồng cô làm việc tại một nhà máy lắp ráp TV kiếm được 80 USD/tháng.

Với số tiền này, họ phải trả 60 USD/tháng cho người giữ trẻ, mua thức ăn và sữa cho cô con gái 6 tuổi. Còn đâu, họ phải thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền xăng xe và những thứ thiết yếu khác. Cuối cùng, hai vợ chồng họ còn lại 30 USD mỗi tháng để dành mua thực phẩm. Nghĩa là, mỗi ngày, hai người lao động người lao động trưởng thành này chỉ được tiêu có 1 USD.

“Bây giờ tôi chỉ dám mua một ít thịt cho cháu, còn hai vợ chồng chỉ ăn cơm rau”, cô Hoa cho biết.

Chuyện của cô Hoa không phải là hiếm gặp trong thời “bão” giá ở Việt Nam hiện nay. Nhiều người dân thuộc tầng lớp lao động nghèo tại Việt Nam cũng đang chóng mặt vì tình trạng lạm phát tăng cao.

Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Á. Tỷ lệ lạm phát 14,1% của Việt Nam trong năm ngoái cao gần gấp đôi so với mức 7,4% của Indonesia, nước có tỷ lệ lạm phát cao thứ hai trong khu vực.

Và sự gia tăng tốc độ lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Tháng 1 vừa qua, lạm phát của Việt Nam tăng 2,4% so với tháng tháng 12/2007 và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong tháng 2 này.

Không chỉ tầng lớp lao động phổ thông và công nhân trong các nhà máy chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề từ tình trạng giá cả leo thang. Nhiều người có trình độ học vấn cao thừa nhận bằng cấp của họ cũng chẳng giúp ích gì nhiều trong việc tìm kiếm một cuộc sống đảm bảo.

Cô Nguyễn Thu Phương 35 tuổi, một giáo viên ở Hà Nội cho biết, mỗi tháng cô kiếm được 150 USD. “Cách đây một năm, tôi có thể đi chợ để nấu một bữa ăn có 4 món cho cả nhà. Nhưng bây giờ, tôi phải rút xuống còn hai món”, cô Phương nói.

Thậm chí cả nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan mới đây trong một cuộc trò chuyện với báo giới cũng cho biết, mức sống của gia đình ông đang giảm đáng kể.

Lương tăng không kịp lạm phát

Tại Tp.HCM, giá thực phẩm hiện đã tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng thêm với đó, giá điện, nước, xăng dầu cũng đã tăng thêm 17%.

Nguyễn Thế Hải, một công nhân 25 tuổi làm việc tại một nhà máy của Nhật Bản tại Tp.HCM hiện đang ở trọ chung với nhiều người bạn cũng là công nhân khác, cho biết: “Hồi mới vào làm, tôi kiếm được 900.000 đồng/tháng. Làm việc được 3 năm, hiện lương của tôi là 1.100.000 đồng/tháng. Lương tôi tăng hơn 20% nhưng tiền thuê nhà và xăng xe đi lại đã tăng hơn 50%”.

Giá thuê nhà ở Việt Nam hiện đang tăng chóng mặt do các chủ nhà cho thuê tận dụng tối đa sự chênh lệch giữa nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng vọt do lao động từ các vùng nông thôn đổ tới thành phố tìm việc làm. Nhiều công nhân cho biết, giá thuê nhà hiện đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba và họ chỉ có hai lựa chọn, một là chấp nhận, hai là đi chỗ khác.

Anh Hải cho biết: “Trước đây, tôi hy vọng là ra thành phố tôi có thể kiếm đủ tiền để gửi về cho bố mẹ. Nhưng bây giờ, tôi còn chẳng kiếm đủ để mình tiêu vào những thứ thiết yếu hàng ngày nữa”.

Trên thực tế, “bão” giá ở Việt Nam là kết quả từ sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố. Đó là giá xăng dầu tăng cao, lượng ngoại tệ đổ vào lớn, lương tăng, hàng hóa nhập khẩu giá cao tràn ngập, thâm hụt thương mại, sản xuất lương thực thực phẩm giảm sút do thời tiết xấu, cộng với các loại bệnh dịch như cúm gia cầm và lợn tai xanh...

Nhiều quốc gia khác có mức độ phát triển cao hơn Việt Nam như Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng gặp phải những vấn đề như Việt Nam, nhưng tỷ lệ lạm phát của họ chỉ bằng một nửa so với Việt Nam. Lạm phát của Trung Quốc năm ngoái cũng chỉ là 6,5%, so với mức 14,1% của Việt Nam. Những nước có cùng mức độ phát triển như Việt Nam, chẳng hạn Campuchia và Lào cũng có tốc độ lạm phát chỉ bằng nửa Việt Nam.

Trên báo chí đã xuất hiện những bài báo cho rằng, các biện pháp kiềm chế tăng giá của Chính phủ như thắt chặt tiền tệ, tạm thời ngừng xuất khẩu gạo… vẫn chưa đủ để cản sức tăng mãnh liệt của lạm phát. Điều này có nghĩa là Chính phủ cần phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Từ tháng 1/2008, lương tối thiểu hàng tháng được nâng từ mức 28 USD lên mức 34 USD đối với cán bộ viên chức nhà nước và từ mức 34 USD lên mức 44 USD đối với công nhân viên trong các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp tăng lương này dường như hơi chậm trễ so với tốc độ tăng của giá cả.

Cô Nguyễn Thanh Mai, một giáo viên 27 tuổi ở Điện Biên, cho biết: “Lương tăng thêm chẳng bù nổi giá tăng. Tôi vẫn phải thắt lưng buộc bụng”.