OCB hoàn thành việc nộp bổ sung thuế
Mới đây, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết đã hoàn thành việc nộp bổ sung thuế ngay sau khi có công văn từ Tổng cục Thuế...
Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Thuế, OCB cần nộp bổ sung thuế ở một số hạng mục, trong đó có liên quan đến khoản thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động Thư tín dụng (L/C) giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022.
Chia sẻ về vấn đề này, OCB cho biết: “Trong quá trình hoạt động và phát triển, chúng tôi luôn cam kết và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Đặc biệt những năm gần đây, OCB liên tục nằm trong top 30 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Về việc ngân hàng cần bổ sung thuế, liên quan đến các thông báo thuế có sự thay đổi và OCB đã hoàn thành khoản nộp bổ sung ngay sau khi nhận được thông tin về vấn đề này”.
Về phần kê khai nộp thuế L/C, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã cho biết, từ năm 2011 đến nay, các Tổ chức tín dụng thiếu sót trong việc nộp thuế giá trị gia tăng đối với phí L/C có tính chất cấp tín dụng không phải là lỗi của các Tổ chức tín dụng, các Tổ chức tín dụng không cố tình vi phạm, không cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Bởi vì bản chất dịch vụ L/C không thay đổi trước và sau ngày 01/01/2011 (thời điểm có hiệu lực của của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010).
Bên cạnh đó, các Tổ chức tín dụng thường có đặc thù hệ thống nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trải dài khắp địa bàn cả nước, nhiều đơn vị có sự thay đổi, chia tách, sáp nhập, số lượng giao dịch lớn, phát sinh trong thời gian dài. Vì vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê.
Theo kết quả báo cáo tài chính vừa được OCB công bố mới đây, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 239.454 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2022. Tổng huy động thị trường 1 đạt 168.112 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 20,5% so với năm 2022, đạt 148.005 tỷ đồng. Năm 2023 cũng là năm OCB tăng vốn điều lệ thành công lên 20.548 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.227 tỷ đồng tăng 19,1% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, OCB cũng chủ động tiết giảm chi phí, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay khách hàng khi mà chỉ số CIR (chi phí/doanh thu) giảm chỉ còn 33,3% trong khi năm 2022 là 36,3%, được đánh giá là một trong số ít các ngân hàng kinh doanh khởi sắc và kiểm soát tốt chi phí trong năm 2023 khi bối cảnh kinh doanh chung của các ngân hàng trên toàn hệ thống còn gặp nhiều khó khăn.