Ông Prayuth Chan-Ocha tiếp tục làm Thủ tướng Thái Lan
Quốc hội Thái Lan ngày 5/6 đã chọn ông Prayuth làm Thủ tướng của Chính phủ dân sự ra đời từ cuộc bầu cử tháng 3
Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan suốt 5 năm qua, sẽ tiếp tục giữ cương vị này sau cuộc tổng tuyển cử mới đây.
Theo tin từ Bloomberg, Quốc hội Thái Lan ngày 5/6 đã chọn ông Prayuth làm Thủ tướng của Chính phủ dân sự ra đời từ cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 3. Với sự hậu thuẫn của Thượng viện cho quân đội bầu ra, ông Prayuth đứng đầu một liên minh nắm đa số mong manh nhưng đủ để đánh bại phe đối lập đứng đầu bởi ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit.
Kết quả này cho thấy quân đội Thái Lan dù không còn trực tiếp cầm quyền vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn trong chính quyền mới. Sự trở lại của ông Prayuth trên ghế Thủ tướng cũng được đánh giá là một thắng lợi của giới tinh hoa thân hoàng tộc ở Bangkok - lực lượng đã thông qua tòa án hoặc quân đội để ngăn cản cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đồng minh của ông quay lại nắm quyền trong hơn 1 thập kỷ qua.
Trong cuộc bầu cử vừa rồi, đồng minh của Thaksin giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội, nhưng không thể thuyết phục được đủ các đảng nhỏ hơn lập một liên minh đa số.
Nền kinh tế Thái Lan được đánh gia là có tiềm năng lớn, và đã nổi lên thành một trung tâm chế biến-chế tạo từ thập niên 1980. Tuy nhiên, các vụ đảo chính và bạo lực chính trị liên tục xảy ra trong một thập kỷ qua đã xói mòn khả năng cạnh tranh của nước này.
Thế bế tắc chính trị có thể xảy ra trong Hạ viện có mức độ chia rẽ cao của Thái Lan, gây nguy cơ cản trở tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á. Quý 1 năm nay, kinh tế Thái Lan tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2014 do xuất khẩu, du lịch và đầu tư công cùng yếu đi.
Đảng của ông Prayuth dẫn đầu một liên minh gồm 19 đảng chiếm đa số mong manh trong Hạ viện gồm 500 ghế của Thái Lan. Tuy nhiên, với sự ủng hộ tuyệt đối của Thượng viện, ông Prayuth có giành được lá phiếu của 500 nghị sỹ trong toàn Quốc hội, so với 244 phiếu dành cho ông Thanathorn.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào đêm muộn ngày thứ Tư, sau một cuộc tranh luận kéo dài 11 giờ đồng hồ.
Theo nhận định của giáo sư chính trị Prajak Kongkirati thuộc Đại học Thammasat ở Bangkok, một chính phủ gồm quá nhiều đảng có thể gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước. Theo vị chuyên gia, một chính phủ như vậy sẽ phải tập trung vào sự sinh tồn chính trị của mình, thay vì vạch ra một tầm nhìn dài hạn.
Thất bại trong cuộc đua với ông Prayuth, ông Thanathorn đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình đường phố.
"Đây không phải là kết thúc của chúng tôi", ông Thanathorn, thủ lĩnh đảng Tương lai phía trước, tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu. "Đây mới chỉ là sự khởi đầu, mới là một trận đấu trong cuộc chiến vì dân chủ".