16:45 21/08/2019

Ông Trump bắt đầu “lung lay” vì sức khỏe kinh tế Mỹ đi xuống?

Kiều Oanh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ, bao gồm cắt giảm thuế tài sản gia tăng (capital-gains tax), đồng thời tiếp tục kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm thêm lãi suất.

Ông Trump tính đến những biện pháp này cho dù ông vẫn một mực bác bỏ đánh giá cho rằng kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc mạnh hoặc sắp rơi vào suy thoái.

Mỹ "còn lâu mới suy thoái"

"Chúng tôi đang xem xét giảm một số loại thuế", ông Trump nói với các nhà báo có mặt tại Nhà Trắng. "Tuy nhiên, đây là vấn đề mà tôi luôn cân nhắc. Chúng ta còn lâu mới suy thoái".

Ông Trump nói ông có thể cắt giảm thuế mà không cần phải có sự thông qua của Quốc hội. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal nói rằng một động thái như vậy có thể ngay lập tức vấp phải thách thức từ tòa án.

Trong những tuần gần đây, thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ phát đi những tín hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan tới Mỹ. Tuần trước, Phố Wall đã hoảng loạn khi chứng kiến đường cong giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đảo ngược - một dấu hiệu kinh điển của suy thoái sắp xảy đến.

Đưa kinh tế Mỹ tránh một đợt suy giảm tăng trưởng sâu hoặc suy thoái là một vấn đề đặc biệt khó khăn và quan trọng đối với ông Trump - người muốn dựa vào thành tựu kinh tế để "ghi điểm" với cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng nền kinh tế giảm tốc sẽ kéo theo khả năng giành thêm một nhiệm kỳ nữa của ông Trump.

Sau phát biểu ngày 20/8 của ông Trump, một số nhà phân tích nhận định có thể là một dấu hiệu cho thấy niềm tin của ông vào nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu "lung lay". "Điều này làm gia tăng ý nghĩ rằng đang có một mối lo ngại", chiến lược gia Quincy Krosbby thuộc Prudential Financial nhận xét.

Hiện chưa ai dám chắc một đợt cắt giảm thuế tài sản gia tăng có thể giúp kích thích tăng trưởng Mỹ hay không. Một phân tích của tổ chức nghiên cứu Tax Policy Center có trụ sở ở Washington cho rằng giảm thuế này sẽ không giúp ích nhiều cho tăng trưởng.

Theo luật hiện tại của Mỹ, nhà đầu tư phải đóng thuế với phần giá trị tài sản tăng thêm trên danh nghĩa. Chẳng hạn, một người mua 100.000 USD cổ phiếu vào năm 1990. Đến hiện tại, số cổ phiếu được bán với giá 1 triệu USD, thì người đó phải nộp thuế đối với phần 900.000 USD, dù một phần trong giá trị tăng thêm này là do lạm phát.

Thuế quan đe dọa tăng trưởng

Nếu được trừ lạm phát, các nhà đầu tư Mỹ có thể bán ra nhiều hơn các tài sản mà họ nắm giữ dài hạn. Theo Penn-Wharton Budget Model, bằng cách này, thuế tài sản ở Mỹ sẽ được giảm 100 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, nhưng phần lớn lợi ích sẽ rơi vào tầng lớp thu nhập cao.

Ngoài cân nhắc giảm thuế, ông Trump ngày 20/8 một lần nữa gây sức ép đòi FED hạ lãi suất thêm ít nhất 1 điểm phần trăm - điều thường chỉ xảy ra khi kinh tế Mỹ gặp thách thức nghiêm trọng. Ông nói thêm rằng việc giảm lãi suất 1 điểm phần trăm có thể diễn ra theo nhiều đợt.

Một chu kỳ hạ lãi suất như vậy chưa từng được FED tiến hành kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tháng 7 vừa qua, FED có đợt hạ lãi suất đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng nói ông tính cắt giảm thuế bảng lương (payroll tax), một biện pháp có thể làm gia tăng số tiền lương thực lĩnh cho người lao động.

Tính đến quý 2 năm nay, kinh tế Mỹ đã thiết lập chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, bắt đầu từ khi nền kinh tế nước này hồi phục hậu khủng hoảng và suy thoái cách đây 1 thập niên. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang ở mức thấp nhất khoảng nửa thế kỷ và tiêu dùng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Trump bắt đầu “lung lay” vì sức khỏe kinh tế Mỹ đi xuống? - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý của Mỹ trong 10 năm qua. Đơn vị: % - Nguồn: FED St. Louis.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện. Tăng trưởng quý 2 chỉ đạt 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 3,5% đạt được trong quý 2/2018.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến cho rằng thương chiến Mỹ-Trung gây ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Mỹ và có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Nhưng khó có khả năng ông Trump sớm rút lại thuế quan mà ông áp lên hàng hóa Trung Quốc, bởi ông xem đây là vũ khí hữu hiệu để buộc Bắc Kinh phải đi đến một thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho Washington.

Các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đang nhằm vào nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ để chỉ trích ông Trump.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ ở thời điểm này, ngày 20/8 cáo buộc ông Trump theo đuổi một "cuộc chiến thuế quan vô trách nhiệm" mà ông Biden cho là gây tổn hại cho nông dân Mỹ. Ông Biden cũng nói nước Mỹ nên "tăng thuế tài sản gia tăng và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu".