Ông Trump dọa cắt viện trợ những nước phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem
Đại hội đồng gồm 193 nước thành viên Liên hiệp quốc sẽ tổ chức cuộc họp khẩn đặc biệt về Jerusalem vào ngày thứ Năm
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 cảnh báo sẽ cắt viện trợ tài chính đối với những quốc gia bỏ phiếu thuận đối với một dự thảo nghị quyết của Liên hiệp quốc kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
"Họ nhận hàng trăm triệu USD, thậm chí là hàng tỷ USD, và rồi họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi đang theo dõi những lá phiếu đó. Cứ để họ bỏ phiếu chống chúng tôi đi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều tiền", ông Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng.
Theo dự kiến, Đại hội đồng gồm 193 nước thành viên của Liên hiệp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn đặc biệt vào ngày thứ Năm, theo đề nghị của các nước Arab và Hồi giáo, để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trên. Đây là dự thảo nghị quyết mà Mỹ đã bỏ phiếu phủ quyết tại một phiên họp của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong khi 14 nước còn lại bỏ phiếu thuận.
Được Ai Cập khởi xướng, dự thảo nghị quyết này không đề cập cụ thể đến Mỹ hay Tổng thống Trump, nhưng nói "rất lấy làm tiếc về những quyết định gần đây liên quan đến địa vị của Jerusalem".
Tin từ Reuters cho biết, trong một lá thư gửi tới nhiều nước trong Liên hiệp quốc vào ngày thứ Ba, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley cảnh báo rằng ông Trump đã yêu cầu bà "báo cáo lại về những nước bỏ phiếu chống quyết định của Mỹ".
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, bà Haley thẳng thừng nói: "Nước Mỹ sẽ ghi nhớ những cái tên".
Một số nhà ngoại giao cấp cao nói rằng sự cảnh báo của đại sứ Haley khó có thể thay đổi nhiều lá phiếu ở Đại hội đồng, nơi mà những lời cảnh báo trực tiếp và công khai như vậy là hiếm khi xảy ra. Vài nhà ngoại giao nhận định sự cảnh báo này nhiều khả năng nhằm gây ấn tượng với cử tri Mỹ hơn.
Theo số liệu từ cơ quan viện trợ thuộc Chính phủ Mỹ USAID, trong năm 2016, nước này cung cấp khoảng 13 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho các quốc gia vùng tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi và 1,6 tỷ USD cho các nước Đông Á và châu Đại dương. Ngoài ra, Mỹ cung cấp viện trợ 13 tỷ USD cho Trung Đông và Bắc Phi, 6,7 tỷ USD cho các nước Nam và Trung Á, 1,5 tỷ USD cho các nước châu Âu, 2,2 tỷ USD cho các nước bán cầu Tây.
Ông Miroslav Lajcak, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, từ chối bình luận về phát biểu của ông Trump, nhưng nói rằng: "Các nước thành viên có quyền và nghĩa vụ bày tỏ quan điểm của mình".
"Tôi thích thông điệp mà bà Haley gửi đi ngày hôm qua tại Liên hiệp quốc, đối với tất cả những quốc gia nhận tiền viện trợ của chúng tôi để rồi bỏ phiếu chống lại chúng tôi ở Hội đồng Bảo an, hoặc định bỏ phiếu chống chúng tôi tại Đại hội đồng", ông Trump nói.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump bất ngờ đảo ngược chính sách đã kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố kế hoạch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Động thái này đã khiến Palestine và thế giới Arab nổi giận, đồng thời gây lo ngại trong hàng ngũ các đồng minh của Washington.
Địa vị của Jerusalem - nơi có những địa điểm là thánh địa của người Hồi giáo, Do Thái và Thiên chúa giáo - vốn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.
Israel coi Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu và không thể chia cắt của nước này và muốn tất cả các đại sứ quán nước ngoài tại Israel phải được đặt ở đó. Về phần mình, người Palestine muốn thủ đô nhà nước độc lập của họ phải được đặt ở khu vực phía Đông của Jerusalem, khu vực bị Israel chiếm giữ vào năm 1967 trong cuộc chiến tranh Trung Đông và sáp nhập vào Israel - một hành động chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận.