09:42 20/06/2019

Ông Trump nhận thông điệp gì từ chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập?

An Huy

Cả Trung Quốc và Triều Tiên hiện đều đang đối mặt với sức ép lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bắc Kinh tháng 1/2019 - Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bắc Kinh tháng 1/2019 - Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty.

Cả Trung Quốc và Triều Tiên hiện đều đang đối mặt với sức ép lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước chuẩn bị diễn ra, một thông điệp quan trọng sẽ được gửi tới Washington - hãng tin Bloomberg nhận định.

Chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên sau 14 năm một vị Chủ tịch Trung Quốc tới Bình Nhưỡng. Chuyến thăm được đánh giá là cho thấy sự thắt chặt quan hệ giữa Triều Tiên với đồng minh lớn duy nhất của nước này.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng chuyến thăm là một thông điệp rõ ràng gửi đến ông Trump về ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc. "Lời nhắc nhở" này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi được gửi đi ngay trước thềm một cuộc gặp có thể sắp diễn ra giữa ông Tập với ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Còn đối với ông Kim, chuyến thăm của ông Tập là một cơ hội nữa để chứng minh rằng ông còn có nhiều lựa chọn khác ngoài việc gặp ông Trump lần thứ ba, sau khi cuộc gặp lần thứ hai của hai nhà lãnh đạo hồi đầu năm nay không mang lại kết quả gì.

Trong chuyến thăm, lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc có thể tìm thấy một sự "đồng cảm" lớn, bởi mối quan hệ Triều-Mỹ và Trung-Mỹ đều xấu đi gần đây. Trong đó, ông Kim đã bị ông Trump "quay lưng" trên bàn đàm phán ở Hà Nội hồi tháng 2, còn Trung Quốc hồi tháng 5 bị ông Trump từ chối đề xuất về một thỏa thuận thương mại.

"Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ gia tăng sức ép nhằm buộc Washington phải thực hiện ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên theo các điều kiện mà Triều Tiên đưa ra. Đó là cách tiếp cận từng phần, từng bước về phi hạt nhân hóa, và bao gồm dỡ dần các biện pháp trừng phạt", cựu quan chức ngoại giao Mintaro Oba của Mỹ, người từng làm việc về vấn đề bán đảo Triều Tiên, nói với Bloomberg.

"Chuyến thăm này sẽ phản ánh sự ủng hộ yếu đi của khu vực đối với chiến dịch gây sức ép lên Triều Tiên của Mỹ", ông Oba nói.

Vấn đề đối với ông Trump nằm ở chỗ Trung Quốc - đối tác thương mại chủ chốt và đồng minh an ninh duy nhất của Triều Tiên - là nước giữ "chìa khóa" trong việc duy trì sự cô lập kinh tế mà Mỹ đang dựa vào để buộc ông Kim quay trở lại bàn đàm phán.

Trung Quốc vẫn khẳng định cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh đã cho thấy giới hạn trong vấn đề này trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung căng thẳng.

Trong một bài bình luận được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải hôm thứ Tư, ông Tập nói ông mong muốn "mở ra một chương mới" trong quan hệ Trung-Triều. Ông gọi ông Kim là "đồng chí Kim Jong Un" và nói Trung Quốc ủng hộ "hướng đi đúng đắn của Triều Tiên về giải quyết bằng chính trị vấn đề bán đảo Triều Tiên".

Đây sẽ là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc cấp cao nhất kể từ năm 2005 - năm diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Chuyến thăm này cũng sẽ là lần thứ 5 ông Tập gặp ông Kim. Trong 4 lần gặp trước, ông Kim đều tới Trung Quốc gặp ông Tập.

"Chuyến thăm của ông Tập sẽ gửi một thông điệp rằng mối quan hệ vững mạnh giữa Trung Quốc và Triều Tiên giữ vai trò quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề hạt nhân và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, điều mà Mỹ không thể xem nhẹ", giáo sư chính trị quốc tế Wang Sheng thuộc Đại học Tế Lâm của Trung Quốc đánh giá.