10:32 08/01/2015

Parkson Landmark: “Đóng cửa là tất yếu”

Lê Hường

Trước Parkson Landmark, thị trường Hà Nội đã chứng kiến nhiều cuộc ra của không ít trung tâm thương mại to đẹp

Các chủ tiệm dọn hàng ra khỏi Parkson Landmark - Ảnh: Zing.<br>
Các chủ tiệm dọn hàng ra khỏi Parkson Landmark - Ảnh: Zing.<br>
Hình ảnh trống trơn của Trung tâm thương mại Parkson Landmark trong những ngày đầu năm mới càng tô đậm thêm bức tranh không mấy sáng sủa của phân khúc bán lẻ cao cấp tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.

Trước Parkson Landmark, thị trường Hà Nội đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi hoặc vẫn duy trì tình trạng dở sống dở chết của không ít trung tâm thương mại to đẹp.

Năm 2013, sau 2 năm hoạt động, Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) đã phải đóng cửa vì ế ẩm. Trung tâm thương mại Mipec Mall cũng vừa tái cơ cấu lần 2 khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của Mipec Mall (Pico Mall trước đây).

Còn với Tràng Tiền Plaza, sự kiện trung tâm này tạm dừng đóng cửa sửa chữa hồi tháng 8/2014 sau khi đã đầu tư lên đến 400 tỷ đồng không gây ngạc nhiên với nhiều người. Vì ngay từ thời điểm khai trương trung tâm này, nhiều ý kiến đã hoài nghi về khả năng thích nghi với nhu cầu mua sắm của người dân Việt Nam.

Sau 4 tháng đóng cửa, Tràng Tiền Plaza mở cửa trở lại vào đúng mùa vụ Tết 2015. Nói về sự kiện này, bà Lê Lan Phương, Phó giám đốc trung tâm thương mại này cho biết, việc mở cửa trở lại nằm trong kế hoạch kinh doanh của công ty và dịp mở cửa đúng mùa mua sắm cuối năm nên số người đến trung tâm cũng đông hơn.

“Tràng Tiền Plaza không thay đổi về định hướng và chiến lược kinh doanh, các thương hiệu hàng hóa ở đây vẫn theo tiêu chuẩn là hàng chất lượng cao, không nhất thiết là thương hiệu trong nước hay nước ngoài”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Trước tình trạng một số trung tâm thương mại rơi vào cảnh vắng khách qua lại, thậm chí có trung tâm thương mại phải thu hẹp quy mô kinh doanh, bà Lan Phương khẳng định, Tràng Tiền Plaza không hề e ngại điều này, bởi vì trung tâm này có lợi thế hơn hẳn các địa điểm khác, không chỉ là vị trí đắc địa, Tràng Tiền Plaza còn có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời.

Trong khi đó, quan sát chuyển động của phân khúc thị trường bán lẻ này trong thời gian vừa qua, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng “việc đóng cửa là tất yếu”.

Theo phân tích của vị chủ tịch hiệp hội này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm và thất bại tại các trung tâm thương mại. Việc đánh giá thị trường, sức mua có khả năng thanh toán của người tiêu dùng chưa chuẩn.

Các hàng xa xỉ là loại hàng hóa kén người tiêu dùng, do đó mặc dù các trung tâm thương mại rất đẹp, tiện nghi nhưng việc mở ra quá nhiều các địa điểm mua bán này gây thừa cung. Chu kỳ mua sắm các loại hàng hóa này không thường xuyên, đây là loại hàng hóa được mua sắm bất thường để là quà tặng, biếu xén.

Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh định dạng bán lẻ này là rất lớn. Chi phí lớn sẽ dẫn đến giá bán hàng hóa cao, điều này lại làm giảm sức mua. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng hàng xa xỉ có phần xa lạ với khá nhiều người dân Việt Nam nên phần lớn số người đến các trung tâm thương mại này để “ngắm” nhiều hơn là mua. Thêm vào đó, niềm tin người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa cao cấp vẫn chưa cao.

Cùng quan điểm với ông Phú, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SapoMart cho rằng, kinh tế Việt Nam những năm gần đây vẫn còn khó khăn, sức mua giảm, đây cũng là nguyên nhân khiến cho một vài trung tâm thương mại phải thu hẹp quy mô hoạt động.

“Khi có ít tiền hơn, thay vì để mắt đến hàng xa xỉ cao cấp, người dân quan tâm đến hàng thiết yếu nhiều hơn”, ông Hà nói.

Không chỉ các trung tâm thương mại hàng xa xỉ ế ẩm, các trung tâm thương mại chuyển đổi từ chợ truyền thống cũng rơi vào tình trạng vắng vẻ đìu hiu. Sau 4 năm lột xác từ chợ truyền thống, trung tâm thương mại Hàng Da vẫn trong tình trạng vắng khách, trái ngược hẳn với cảnh sầm uất của chợ Hàng Da những năm trước đó.

Được đưa vào hoạt động gần thời điểm với trung tâm thương mại Hàng Da, trung tâm thương mại Cửa Nam được xây dựng với sự kết hợp giữa mua bán hiện đại và chợ truyền thống trên diện tích 900m2, với tổng vốn đầu tư lên tới 280 tỷ đồng, quy mô gồm 13 tầng nổi, bốn tầng hầm với diện tích sử dụng hơn 10 nghìn m2. Tình trạng ế ẩm diễn ra tương tự.

Không lớn về diện tích, trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa có vị trí đẹp, tọa lạc ngay tại ngã năm Ô Chợ Dừa. Được xây dựng tới 7 tầng nhưng chỉ có tầng 1 và 2 của tòa nhà được thuê bán hàng và làm dịch vụ hay văn phòng. Tất cả các tầng còn lại đều trống trơn. Ở hai tầng dưới, có đến 80% quầy hàng đóng cửa.

Giải thích về sự thất bại thứ hai này, ông Phú cho rằng đã “sai từ khâu thiết kế”. Việc đưa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu theo cách kinh doanh truyền thống xuống tầng hầm của các chợ truyền thống cũ là không tương xứng với văn hóa mua sắm của trung tâm thương mại hiện đại.

Bên cạnh đó, vì thực hiện xã hội hóa đầu tư nên chi phí thuê sạp bán hàng bị đẩy lên, kết quả là tiểu thương vội “bán lúa non” các quầy trước đây đã từng thuê để ra vỉa hè mua bán có lợi nhuận cao hơn.

Thêm vào đó, sự kiểm soát thị trường bên trong và bên ngoài trung tâm thương mại không công bằng. Ngay phía bên ngoài trung tâm thương mại, các tiểu thương không chịu các loại phí trong khi các sạp hàng bên trong lại chịu rất nhiều loại thuế, phí.

“Những khập khiễng trong cách kinh doanh đang khiến nhiều ông chủ phải nói lời chia tay với thị trường Việt Nam”, ông Phú kết luận.