Phần Lan giữ vững vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Xếp ngay sau Phần Lan về mức độ hạnh phúc là 3 quốc gia Bắc Âu khác
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, hãng tin Bloomberg cho biết.
Theo báo cáo do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững Liên hiệp quốc công bố ngày 20/3, xếp ngay sau Phần Lan về mức độ hạnh phúc là 3 quốc gia Bắc Âu khác, gồm Đan Mạch, Na Uy và Iceland.
Top 10 của xếp hạng còn có sự góp mặt của 4 nước châu Âu khác gồm Hà Lan (vị trí số 5), Thụy Sỹ (6), Thụy Điển (7), và Áo (10). New Zealand và Canada lần lượt đứng ở vị trí số 8 và số 9.
Việt Nam xếp vị trí 94, sau Trung Quốc và trước Bhutan. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore (34), Thái Lan (52), Philippines (69), Malaysia (80), và Indonesia (92), đồng thời dẫn trước Lào (105), Campuchia (109) và Myanmar (131).
Báo cáo năm nay chứng kiến sự tụt hạng của Mỹ, xuống vị trí thứ 19 từ vị trí 18 trong xếp hạng năm ngoái.
Nam Sudan bị đánh giá là quốc gia kém hạnh phúc nhất thế giới. Nhóm 5 nước "đội sổ" của xếp hạng còn có Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan, Tanzania và Rwanda.
Kết quả xếp hạng mà báo cáo đưa ra dựa vào đánh giá trung bình 3 năm từ 2016-2018 trong các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện Gallup. Các yếu tố đánh giá bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP), hỗ trợ xã hội từ gia đình và bạn bè, lối sống lành mạnh, các quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống của người dân, mức độ hào phóng, mức độ tham nhũng và cảm xúc hiện tại, bao gồm cả vui và buồn.
Báo cáo nói rằng Phần Lan chứng kiến sự gia tăng chậm nhưng đều về mức độ hạnh phúc của người dân kể từ năm 2014. Các nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo nhấn mạnh rằng Phần Lan đang dẫn trước với khoảng cách lớn so với các nước còn lại trong top 10.
Theo ông Jeffrey Sachs, Giám đốc Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững, dữ liệu được đưa ra "đem đến cho các Chính phủ và người dân một cơ hội để đánh giá lại các chính sách công cũng như về sự lựa chọn cuộc sống của mỗi cá nhân, để gia tăng mức độ hạnh phúc".
"Chúng ta đang ở trong một thời kỳ của căng thẳng gia tăng và những cảm xúc tiêu cực, và những phát hiện này cho thấy những thách thức cần phải được giải quyết", ông Sachs nói.