Phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ"
Bộ tem Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với 4 mẫu, đã tạo nên một câu chuyện liên hoàn bằng hình ảnh, xuyên suốt là lòng chảo Điện Biên từ quá khứ hào hùng tới tương lai tươi sáng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung...
Chiều ngày 5/5/2024, tại thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024)”.
Dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phát biểu tại lễ phát hành, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cho biết nhân kỷ niệm các năm chẵn Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành Bưu điện đã phát hành nhiều bộ tem bưu chính để kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này.
Dịp phát hành này là bộ tem thứ 8 mà ngành Thông tin và Truyền thông vinh dự được phát hành, góp phần truyền đi thông điệp với bạn bè quốc tế về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Việc phát hành bộ tem bưu chính góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân để nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lịch sử vẻ vang, ôn lại chặng đường hào hùng của dân tộc ta và truyền cho thế hệ mai sau về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu.
Bộ tem gồm 4 mẫu do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 05/5/2024 đến ngày 31/12/2025. Với phong cách thiết kế đồ họa, nội dung cô đọng, đổi mới, không lặp lại những hình ảnh được thể hiện trên các bộ tem đã phát hành, 4 mẫu tem được sắp xếp liên hoàn tạo thành câu chuyện bằng hình ảnh, bối cảnh xuyên suốt là lòng chảo Điện Biên từ quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng, phát triển của tỉnh Điện Biên nói riêng và của đất nước nói chung.
Mẫu 1, “Chắc thắng mới đánh”: Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông- Xuân (1953-1954), đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm của Pháp. Nhờ sự chỉ huy đúng đắn, chuyển phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, cùng sự đồng lòng của quân và dân mà chúng ta đã giành thắng lợi.
Hình ảnh chính trên mẫu tem là đoàn quân đang kéo pháo vào trận. Nền tem thể hiện hình ảnh Sở chỉ huy tại Mường Phăng được bố trí bên trái nhằm minh họa cho mẫu tem. Đây là hình ảnh lần đầu tiên được nhắc đến và thể hiện trên tem bưu chính. Bên cạnh đó là hình ảnh máy bay địch đang đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên để tạo nên một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ nhằm chi phối chiến trường Đông Dương, chính vì vậy mà màu sắc khung cảnh đang thanh bình trở nên u ám.
Mẫu 2, “Cả nước ra trận”: Để huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của, tất cả vì tiền tuyến, vì sự nghiệp chống ngoại xâm, từng đoàn dân công hỏa tuyến, người dân trên toàn quốc, cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên, Tây Bắc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hình ảnh chính trên mẫu tem là đoàn dân quân hỏa tuyến tải đạn, lương thực… phục vụ chiến trường. Nền tem là hình ảnh Bộ đội ta đánh chiếm và kéo cờ trên nóc hầm Chỉ huy của Pháp thể hiện kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Màu sắc trên nền mẫu tem được thể hiện tối sẫm, cây cối bị từng đợt bom đạn dội xuống… nhưng không cản được ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta.
Hình ảnh sở chỉ huy của 2 bên được thể hiện trên mẫu 1 và mẫu 2 nhằm miêu tả tính đối lập, đấu trí cam go… và kết quả phần thắng thuộc về chính nghĩa, thuộc về sự anh dũng kiên cường của quân và dân Việt Nam.
Mẫu 3, “Bài ca không quên”: khắc ghi và biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc thể hiện bằng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo chăm sóc cho thương bệnh binh, quân nhân chế độ chính sách….
Sự tri ân này được thể hiện qua hình ảnh nhóm cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, thăm Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài chiến thắng; lấy đó làm động lực và tấm gương để thế hệ trẻ noi theo, quyết tâm giữ vững thành quả cha ông để lại, duy trì nền hòa bình, tự do, tiếp bước cha ông xây dựng tổ quốc Việt Nam.
Nền tem là hình ảnh Lễ ký Hiệp định Giơ-ne-vơ đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được các nước, kể cả Pháp phải cam kết tôn trọng.
Mẫu 4, “Phồn vinh, hạnh phúc”: Sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước để đem lại độc lập, hòa bình cho con em ngày nay và mai sau. Ý tưởng này được thể hiện qua hình ảnh chính là Cô gái dân tộc Thái đang chào đón các em thiếu nhi các dân tộc tung tăng tới trường với niềm hân hoan, hạnh phúc.
Nền tem là hoa ban nở rợp trời trên vùng đất chiến trường Điện Biên xưa, nay đã mọc lên các công trình phục vụ dân sinh, phục vụ sự phát triển kinh tế, du lịch như trường học, nương lúa chín vàng, xe năng lượng xanh, cảng hàng không hiện đại, máy bay cất cánh… Tất cả nhằm truyền tải thông điệp về sự đổi mới của Điện Biên nói riêng và của đất nước nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển sánh vai với các nước trên thế giới.
Điều đặc biệt, họa tiết dân tộc Thái được khéo léo bố trí phía dưới thể hiện làm nền cho cả 4 mẫu tem, giới thiệu tính đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Bên lề sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức trưng bày các bộ tem bưu chính Việt Nam đã phát hành về chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ. Kết thúc trưng bày, các bức tranh tem này sẽ được gửi tặng Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.