Điều chỉnh chỉ tiêu xét điểm thi THPT theo hướng giảm nhằm phân loại thí sinh tốt hơn
Những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là để xét tốt nghiệp. Thêm vào đó dịch bệnh đã ảnh hưởng đến học tập nên đề thi có phần nhẹ nhàng hơn khiến các trường khó khăn khi tìm thí sinh giỏi. Việc điều chỉnh chỉ tiêu ở phương thức này hướng giảm sẽ phân loại thí sinh tốt hơn...
Trong số các trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, nhiều trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tiêu đã giảm so với trước.
XÉT ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT CHIẾM 10-15% CHỈ TIÊU
Nếu những năm trước, việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ chỉ tiêu lớn nhất trong phương thức xét tuyển của nhiều trường thì sang năm 2022 tỷ lệ này không chỉ chiếm phần nhỏ mà còn kèm theo cả ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này.
Điển hình là Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến sẽ tuyển khoảng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển dựa trên phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm đến 80 - 85%. Còn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường dành chỉ tiêu thấp nhất từ trước đến nay với 10 - 15%. Đồng thời ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này dự kiến là 20 điểm gồm điểm ưu tiên.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến chỉ tuyển 10 - 20% chỉ tiêu theo kết quả thi THPT cho một số chương trình đào tạo. Ngoài ra trường còn đưa ra thêm điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào là thí sinh phải có điểm trung bình chung sáu học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên hoặc tổng điểm trung bình sáu học kỳ của ba môn học từ 42 trở lên. Riêng đối với phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, trường dành đến 60 - 70% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, Đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm nay áp dụng cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 từ 30 - 60% tổng chỉ tiêu, kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tổ hợp các môn xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên.
Việc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT được lãnh đạo các trường cho hay, những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu hướng tới mục tiêu xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc học của học sinh lớp 12 nên Bộ Giáo dục & Đào tạo ra đề có phần nhẹ nhàng hơn, vì vậy tính phân loại thí sinh để xét tuyển bằng điểm thi THPT không cao. Việc điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu ở phương thức này theo hướng giảm sẽ phân loại thí sinh tốt hơn, tuyển đúng đối tượng và đảm bảo được chất lượng đầu vào, nhất là ở các ngành, trường top đầu.
Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào phù hợp với công tác đào tạo thực tế, các trường không thể chỉ tập trung chỉ tiêu vào phương án xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như các năm trước, mà buộc phải chuyển dịch trong tuyển sinh với đa dạng các phương án. Điều này cũng đồng thời thể hiện sự tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục đại học.
NHIỀU CÁNH CỬA CHÀO ĐÓN THÍ SINH
Giảm chỉ tiêu đối với xét điểm tốt nghiệp THPT không có nghĩa cánh cửa vào đại học của thí sinh hẹp đi mà ngược lại các trường có nhiều cánh cửa khác mở ra để chào đón thí sinh.
Thực tế để đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân năm 2022, thí sinh không chỉ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn có thể nộp hồ sơ bằng các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2022, lần đầu tiên trường đại học hàng đầu về khối ngành kinh tế này sẽ triển khai phương thức xét tuyển mới. Đó là dựa trên điểm kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Không chỉ Đại học Kinh tế quốc dân mà Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Thăng Long, Đại học Thủy lợi và Đại học Xây dựng Hà Nội cũng sẽ có thêm phương thức tuyển sinh đại học khi mới đây đã tham gia ký kết biên bản thỏa thuận sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Theo thống kê mới nhất hiện có gần 50 cơ sở giáo dục cam kết sử dụng kết quả bài thi này.
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh năm 2022, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho rằng, đa dạng phương thức là dấu hiệu tích cực trong công tác tuyển sinh. Sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ nằm ở thước đo kiến thức mà còn là ở các kỹ năng năng lực và nhiều yếu tố khác. Việc mở ra nhiều cánh cửa đại học sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
“Các trường đại học dù có xét tuyển bằng phương thức nào thì cũng là tuyển chọn cho chính mình vì vậy sẽ cân nhắc rất kỹ các tiêu chí và kết hợp các tiêu chí sao cho phù hợp về nghề nghiệp ở từng ngành nghề. Bởi không trường nào muốn thí sinh “ngồi nhầm chỗ” để chỉ trao tấm bằng mà không trao được cái nghề cho người học”, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam chia sẻ thêm.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 2022 các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường sao cho bảo đảm công bằng với các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh. Đồng thời khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Cần thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.