15:15 21/09/2008

Phố Wall, 7 ngày lịch sử

Kiều Oanh

Có thể xem tuần vừa qua là quãng thời gian mà ngành tài chính thế giới rung chuyển tới tận gốc rễ

Một tuần “bão tố” của ngành tài chính Mỹ nói riêng và ngành tài chính toàn cầu nói chung đã khép lại. Nhưng không ai có thể dám chắc đợt chao đảo mạnh này của thị trường sẽ chỉ gói gọn trong 7 ngày qua - Ảnh: Reuters.
Một tuần “bão tố” của ngành tài chính Mỹ nói riêng và ngành tài chính toàn cầu nói chung đã khép lại. Nhưng không ai có thể dám chắc đợt chao đảo mạnh này của thị trường sẽ chỉ gói gọn trong 7 ngày qua - Ảnh: Reuters.
Có thể xem tuần vừa qua là quãng thời gian mà ngành tài chính thế giới rung chuyển tới tận gốc rễ.

Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch hôm thứ Sáu (12/9), những “điềm xấu” của khủng hoảng đã buộc các nhà chức trách Mỹ tổ chức một loạt cuộc họp khẩn trong hai ngày cuối tuần, nhằm nỗ lực ngăn chặn một sự sụp đổ có thể xảy ra trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong suốt những ngày sau đó, các nhà lãnh đạo của lĩnh vực tài chính Mỹ, với các “đội trưởng” là Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, đã đưa ra một loạt những động thái hiếm gặp, tạo ra một sự đảo lộn một trật tự đã kéo dài nhiều thập kỷ trong ngành tài chính và làm thay đổi căn bản bộ mặt của hệ thống tài chính Mỹ.

Sau sự “biến mất” của hai ngân hàng đầu tư Phố Wall là Lehman Brothers và Merrill Lynch, FED đã tiếp quản AIG. Trong một động thái được coi là lần can thiệp lớn nhất trong lịch sử vào thị trường tài chính, các quan chức Mỹ đề xuất một kế hoạch trị giá hàng trăm tỷ USD nhằm mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính.

Giới quan sát quốc tế bình luận, ngành tài chính Mỹ đang được tổ chức lại toàn bộ và đang trải qua những ngày đen tối nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Cùng với đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng trồi sụt với biên độ cực lớn.

Hãy cùng điểm lại những gì đã xảy ra vào các ngày trong tuần đáng nhớ vừa rồi.

Thứ Sáu, ngày 12/9: Tuần giao dịch kết thúc với số phận của ngân hàng đầu tư 158 tuổi Lehman Brothers nằm trong nỗi lo ngại sâu sắc. Cổ phiếu của Lehman rớt giá thảm hại, do giới đầu tư không còn tin vào sự tồn tại lâu dài của tập đoàn này vì Lehman dính líu quá nhiều tới thị trường nợ dưới chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Paulson, Chủ tịch FED Bernanke và Chủ tịch FED bang New York Tim Geithner bắt đầu một loạt cuộc họp với các quan chức ngân hàng hàng đầu của Mỹ để tìm cách cứu Lehman. Hai ngân hàng tiềm năng cho thương vụ mua lại Lehman là ngân hàng Barclays của Anh và Bank of America của Mỹ.

Thứ 7, ngày 13/9: Các cuộc thảo luận về khả năng sáp nhập của Lehman tiếp tục. Các khách hàng tiềm năng cho vụ mua lại chờ đợi từ phía Chính phủ một sự đảm bảo chống đỡ một phần rủi ro, như việc Chính phủ từng cấp vốn cho JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns hồi tháng 3, hay vụ quốc hữu hóa hai tập đoàn đầu tư cho vay địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac hôm 8/9.

Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Mỹ thể hiện quan điểm là họ không sẵn sàng cứu Lehman.

Chủ nhật, ngày 14/9: Các nhà chức trách Mỹ tiếp tục họp. Họ buộc phải đi đến một kết quả trước khi thị trường châu Á mở cửa ngày giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ khẳng định họ sẽ không cứu Lehman. Kết quả, cả Barclays và Bank of America cùng “bỏ chạy” khỏi vụ mua lại Lehman. Với Lehman, lựa chọn duy nhất còn lại là nộp đơn xin phá sản.

Về phần mình, CEO của Merrill Lynch là John Thain nhận thấy tập đoàn này có khả năng lớn chung số phận với Lehman, nên đã nhanh tay dàn xếp để sáp nhập Merrill Lynch với Bank of America. Giá trị vụ mua lại này là 50 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng có một ngày, Phố Wall mất tới hai trong số bốn ngân hàng đầu tư lớn còn lại.

Thứ Hai, ngày 15/9: Lehman Brothers chính thức nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ và cho biết sẽ nỗ lực bán lại các bộ phận chủ chốt. Sau sự an bài của Lehman, đến lượt số phận hãng bảo hiểm khổng lồ AIG - vốn đang chìm trong nguy cơ khủng hoảng thanh khoản - trở thành tâm điểm. Các hãng xếp hạng tín nhiệm đồng loạt đánh tụt xếp hạng tín dụng của AIG.

Bất chấp những lời trấn an thị trường về nền kinh tế Mỹ từ phía Bộ trưởng Bộ Tài chính Paulson và Tổng thống Mỹ George W. Bush, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn rơi sâu. Chỉ số Dow Jones sụt tới 504 điểm (4,4%), đánh dấu ngày giảm mạnh nhất từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Trong khi đó, những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế đột ngột trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá dầu tụt dưới ngưỡng tâm lý 100 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008.

FED "bơm" 70 tỷ USD vào hệ thống tài chính, tạo ra vụ "bơm vốn" lớn nhất kể từ sau vụ 11/9. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sau đó cũng hưởng ứng bằng cách tiếp vốn mạnh cho thị trường. 10 ngân hàng lớn nhất của Mỹ thành lập một quỹ phòng tránh khủng hoảng trị giá 70 tỷ USD.

Thứ Ba, ngày 16/9: FED họp định kỳ và ra quyết định duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 2%. Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm. Thị trường chứng khoán Nga gần như rơi tự do với mức sụt giảm 17% của hàn thử biểu trên sàn giao dịch lớn nhất RTS, buộc nhà chức trách phải “cấp cứu” bằng cách ngừng các hoạt động giao dịch.

Cùng ngày, hai ngân hàng đầu tư lớn còn “sống sót” của Phố Wall là Goldman Sachs và Morgan Stanley báo cáo kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tiếp tục lo sợ, khiến giá cổ phiếu của cả hai tập đoàn này cùng sụt giảm mạnh.

Giữa cơn hỗn loạn, các quan chức Mỹ cùng đi tới một kết luận là AIG “quá lớn để có thể sụp đổ”. Kết quả, trong một động thái ít ai nghĩ đến kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính này bắt đầu, FED đã cho AIG vay 85 tỷ USD để đổi lấy 79,9% cổ phần của tập đoàn này. Vụ giải cứu này được công bố vào tối ngày thứ Ba theo giờ Mỹ.

Thứ Tư, ngày 17/9: Vụ tiếp quản AIG của Chính phủ Mỹ vẫn không đủ sức ngăn chặn nỗi lo sợ của giới đầu tư, thúc đẩy họ ồ ạt tháo chạy sang thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường vàng. Giá vàng có một phiên tăng giá hiếm gặp trong lịch sử. Thị trường tín dụng Mỹ thắt chặt hơn.

Có tin Washington Mutual, ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ, và ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng tìm đối tác mua lại vì lo sợ cũng rơi vào cảnh phá sản. Thị trường chứng khoán Mỹ thêm một ngày chao đảo.

Thứ Năm, ngày 18/9: Các tờ báo lớn đưa tin Morgan Stanley thúc đẩy đàm phán sáp nhập với ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ là Wachovia. FED và các ngân hàng trung ương toàn cầu phối hợp hành động, "bơm" 247 tỷ USD vào thị trường tài chính toàn cầu.

Cùng ngày, Chính phủ Mỹ bắt đầu vạch ra một kế hoạch giải cứu thị trường tài chính lớn chưa từng có trong lịch sử là chi hàng trăm tỷ USD để mua lại nợ xấu trong các tổ chức tài chính.

Tin đồn về kế hoạch này lan đi đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh. Buổi tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson, Chủ tịch FED Bernank cùng các quan chức khác báo cáo nhanh lên Quốc hội Mỹ về kế hoạch này.

Thứ Sáu, ngày 19/8: “Đại kế hoạch” giải cứu thị trường tài chính được Chính phủ Mỹ công bố, tuy chưa có chi tiết cụ thể, đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh mẽ.

Tổng thống Bush tuyên bố, ngành tài chính Mỹ đang ở trong một tình thế “chưa từng có”, nên cần tới những giải pháp “chưa từng có”. Ông Bush cũng thừa nhận, kế hoạch này sẽ là một gánh nặng đối với người nộp thuế ở Mỹ, nhưng ông cũng khẳng định, sự rủi ro sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần, nếu Chính phủ không hành động. Dự kiến, trong vài ngày tới, kế hoạch cứu thị trường của Chính phủ Mỹ có thể sẽ được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng hỗ trợ thị trường bằng cách ra lệnh cấm tạm thời hoạt động bán khống đối với 799 cổ phiếu tài chính. Chứng khoán Mỹ khởi sắc.

Một tuần “bão tố” của ngành tài chính Mỹ nói riêng và ngành tài chính toàn cầu nói chung đã khép lại. Nhưng không ai có thể dám chắc đợt chao đảo mạnh này của thị trường sẽ chỉ gói gọn trong 7 ngày qua.

(Theo Business Week)