Quan chức Fed: Nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”
Tuy nhiên, Chủ tịch chính nhánh St. Louis của Fed cũng cho rằng Fed sẽ tiếp tục phải nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát...
Chủ tịch chính nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông James Bullard, ngày 2/8 nói rằng ông vẫn tin nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Fed sẽ tiếp tục phải nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
“Tôi cho rằng lạm phát đã trở nên nóng hơn so với những gì tôi hình dung ở thời điểm quý 2 năm nay”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Bullard phát biểu tại New York. “Giờ đây, khi điều này đã xảy ra, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tăng lãi suất lên mức cao hơn một chút so với những gì tôi đã nói trước đây”.
Lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) – lãi suất tham chiếu của Fed và được quyết định bởi Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed – có thể tăng lên khoảng 3,75%-4% vào cuối năm nay, ông Bullard dự báo. Lãi suất này hiện đang ở khoảng 2,25-2,5% sau 4 lần tăng liên tiếp bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Không chỉ được các ngân hàng thương mại áp dụng cho các khoản vay qua đêm, lãi suất tham chiếu của Fed còn chi phối các khoản vay tiêu dùng như vay mua nhà, vay mua xe, vay qua thẻ tín dụng…
Ông Bullard cho rằng độ đáng tin của Fed trong quyết tâm chống lạm phát sẽ giúp ngân hàng trung ương này tránh được việc nhấn chìm nền kinh tế. Ông so sánh tình trạng mà Fed đang phải đối mặt hiện nay với những vấn đề mà các ngân hàng trung ương trên thế giới từng gặp phải vào thập niên 1970 và 1980. Lạm phát ở Mỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1981.
Vị quan chức Fed bày tỏ tin tưởng Fed ngày nay sẽ không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái tương tự như hệ quả từ cuộc chiến chống lạm phát của Chủ tịch Fed Paul Volcker vào đầu những năm 1980.
“Các ngân hàng trung ương thời hiện đại có mức độ đáng tin cậy cao hơn so với chính họ hồi những năm 1970”, ông Bullard nói. “Vì lý do này, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ giảm lạm phát một cách có trật tự và đạt được một cuộc hạ cánh tương đối mềm”.
Nhưng thị trường tài chính đang đặt cược vào điều ngược lại, có nghĩa là họ tin sự cứng rắn của Fed sẽ dẫn tới việc lãi suất được nâng quá nhiều, đến nỗi nền kinh tế Mỹ - hiện đã tăng trưởng âm trong hai quý đầu năm - sẽ chính thức rơi vào suy thoái. Sự đặt cược đó đang được thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi xuống. Ngoài ra, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giữa các kỳ hạn khác nhau cũng thu hẹp - một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang có cái nhìn bi quan về tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Trên thực tế, định giá trong các hợp đồng tương lai ở Phố Wall phản ánh rằng Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, nhưng sớm nhất đến mùa hè năm 2023 Fed sẽ phải chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Ông Bullard lập luận rằng khả năng Fed “lái” được nền kinh tế tới một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ tuỳ thuộc nhiều vào độ đáng tin của Fed, nhất là liệu thị trường tài chính và công chúng có tin tưởng Fed sẽ chặn được sự leo thang của lạm phát hay không. Ông Bullard nhấn mạnh rằng điều đó có sự khác biệt lớn với hồi những năm 1970, khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng rồi lại nhanh chóng từ bỏ việc nâng lãi suất đó, dẫn tới mất uy tín.
“Fed không có mức độ đáng tin cậy cao trong những thời kỳ trước. Hiện nay, chúng tôi đáng tin cậy hơn trước nhiều”, ông Bullard nhấn mạnh.
Sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 27/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thể hiện quyết tâm chống lạm phát và không cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell nói việc Fed nâng lãi suất như thế nào trong thời gian tới sẽ tuỳ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.
“Khi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, việc giãn tiến độ tăng lãi suất có thể sẽ là phù hợp, trong lúc chúng tôi đánh giá xem các động thái điều chỉnh chính sách đã có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và lạm phát”, ông Powell nói.