17:49 01/07/2014

Quân đội Nhật chính thức được tham chiến ở nước ngoài

Tâm Anh

Quyền phòng vệ tập thể là một trong những chương trình nghị sự theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Abe

Quyền phòng vệ tập thể là một trong những chương trình nghị sự theo tư 
tưởng dân tộc chủ nghĩa mà thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, ông 
Shinzo Abe, theo đuổi.
Quyền phòng vệ tập thể là một trong những chương trình nghị sự theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mà thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, theo đuổi.
Nhật Bản vừa đạt được bước đi lịch sử, khi nội các nước này chính thức thông qua một nghị quyết về việc bãi bỏ một lệnh cấm từng ngăn cản quân đội nước này được tham chiến ở nước ngoài.

Hãng thông tấn AP bình luận, động thái trên là một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến nay.

Còn theo hãng tin Reuters, đây là bước đi đáng chú ý tách rời chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến và là một chiến thắng lớn về mặt chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe.

Quyền phòng vệ tập thể là một trong những chương trình nghị sự theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mà Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, theo đuổi. Sự thay đổi trên sẽ mở rộng đáng kể các phương án quân sự của Nhật Bản bằng việc chấm dứt lệnh cấm triển khai "quyền phòng vệ tập thể" hay hỗ trợ một nước đồng minh khi bị tấn công.

Ngoài ra, việc này cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hiệp quốc đứng đầu và các vụ việc thuộc "vùng xám" (tình huống khó xác định) gần với một cuộc chiến tranh tổng lực.

"Bất kể trong trường hợp nào, tôi cũng sẽ bảo vệ cuộc sống người dân và nền hòa bình của Nhật Bản. Với tư cách Thủ tướng, tôi có trách nhiệm nặng nề này. Với quyết định trên, nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách cơ bản về an ninh quốc gia", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều hôm nay (1/7) ở Tokyo.

Ông Abe nói thêm, "có sự hiểu sai về việc Nhật Bản sẽ tham chiến để bảo vệ một quốc gia bên ngoài". Ông khẳng định, "đó sẽ là một biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt để bảo vệ người dân. Chúng tôi sẽ không dùng quân lực để bảo vệ các lực lượng bên ngoài. Sẽ không có thay đổi nào trong các nguyên tắc cấm điều quân ra nước ngoài của Nhật Bản".

Trước đó, sáng cùng ngày, hai đảng Dân chủ Tự do và New Komeito cuối cùng cũng đã đạt một thỏa thuận chính thức về quyền phòng vệ tập thể. Thỏa thuận trên đạt được sau khi hai đảng trên trong liên minh cầm quyền tiến hành nhiều cuộc đàm phán về cách thức loại bỏ các rào cản pháp lý mà bản hiến pháp hòa bình áp đặt đối với lực lượng phòng vệ.

Trong cuộc thảo luận sáng 1/7, New Komeito sau cùng cũng đồng ý với dự thảo nghị quyết cuối cùng của chính phủ về quyền phòng vệ tập thể.

Dự thảo nêu rõ, Nhật Bản được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu như "sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc của người dân".

Sự thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Điều này có nghĩa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể để tham gia chiến đấu tại nước ngoài, điều vốn đã bị nghiêm cấm theo cách giải thích từ trước đến nay đối với điều 9 trong bản Hiến pháp hòa bình.

Giới phân tích thời sự quốc tế cho rằng, việc giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình cho phép quyền phòng vệ tập thể của quân đội Nhật Bản là bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh của Tokyo phản ánh các mối lo ngại trước các thay đổi cơ bản trong môi trường an ninh quanh nước này, trong đó có sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước láng giềng Trung Quốc.

Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 30/6, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng: "Nhật Bản có mọi quyền nhằm trang bị cho mình theo cách mà họ cho là cần thiết. Chúng tôi khuyến khích họ thực hiện điều đó một cách minh bạch, và chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc chặt chẽ với phía họ về những vấn đề quan trọng này".

Theo giới phân tích, động thái trên có thể sẽ "chọc giận" Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước đã trở nên lạnh nhạt do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Phát biểu hôm 1/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã yêu cầu Nhật Bản tôn trọng sự quan ngại từ các nước trong khu vực.