16:46 22/08/2019

Quản vốn Nhà nước hiệu quả: Không thể thiếu người đại diện vốn tại doanh nghiệp

Nhóm phóng viên

Nhiều năm nay, công tác người đại diện luôn được hoàn thiện để giúp cho cổ đông Nhà nước mà đại diện là SCIC, thực sự trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp

Tính đến 30/6/2019, tổng danh mục đầu tư do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, với số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.947 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng, bao gồm: 139 Công ty cổ phần; 01 Công ty TNHH 2 thành viên; 04 Công ty TNHH 1 thành viên; trong đó, có vốn nhà nước tại 11 Tổng công ty. 

Để quản lý hiệu quả một khối lượng vốn lớn (số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.947 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng) tại 144 doanh nghiệp hiện nay, SCIC phải cần tới một hệ thống người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Hệ thống đặc biệt này hiện là 259 người đại diện, trong đó có 180 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (69,5%).

Nhiều năm nay, công tác người đại diện luôn được hoàn thiện để giúp cho cổ đông Nhà nước mà đại diện là SCIC, thực sự trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn. 

Để sự phối hợp giữa SCIC và người đại diện trở nên thông suốt và hiệu quả hơn, Thời báo Kinh tế Việt Nam xin ghi lại các ý kiến đóng góp, những tâm tư, trăn trở từ một số Người đại diện vốn tại doanh nghiệp cũng như ý kiến từ phía SCIC và các cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp có sự khác biệt sau khi thay đổi cơ quan đại diện vốn

(Ông Lê Tiến trường, Tổng giám đốc Vinatex)

Là một trong số ít các tập đoàn lớn mới chuyển vốn Nhà nước về SCIC từ cuối năm 2018, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có những trải nghiệm khác biệt. Sau lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Vinatex từ Bộ Công Thương về SCIC ngày 23/11/2018, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex do SCIC đại diện sở hữu là 2.674.381 triệu đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex.

unnamed-15

Ông Lê Tiến trường, Tổng giám đốc Vinatex

Sau 8 tháng chuyển vốn về SCIC, hoạt động của doanh nghiệp đã có sự khác biệt. Kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2015, năm 2019 là năm đầu tiên mà đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinatex được thực hiện trước ngày 30/4 theo đúng quy định của luật. Còn ba năm trước (2016, 2017, 2018), Đại hội đồng cổ đông đều được tổ chức vào tháng 6 hàng năm, tức là sau hơn hai tháng so với quy định của luật.

Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo của SCIC về các nội dung tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Đây là điểm đáng ghi nhận về sự phối hợp tốt giữa SCIC và người đại diện.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm thuận lợi như nêu trên, chúng tôi cũng muốn đề xuất về cơ chế báo cáo của người đại diện. Tôi cũng hiểu rằng, quy chế người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp mà SCIC nắm cổ phần chi phối. 

Trong số các doanh nghiệp mà SCIC nắm cổ phần chi phối thì năm 2018 có thêm một số đơn vị lớn được chuyển về, trong đó có Vinatex. Theo tôi, Vinatex có mô hình khác với các đơn vị mà SCIC đang quản lý. Vì vậy, để quản trị hiệu quả và làm tốt vai trò cổ đông lớn tại các doanh nghiệp này, SCIC nên có phân loại theo mô hình (lớn, nhỏ…) để có cách tiếp cận phù hợp.

Theo mô hình hiện nay, khi mà càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp được giao vốn về SCIC và với quy mô càng ngày càng lớn và càng nhiều chuyên ngành khác nhau thì chúng ta cũng nên tiếp cận quy chế quản lý người đại diện theo mô hình kinh doanh để cho nó có khả năng đáp ứng được yêu cầu của mô hình công ty lớn, công ty trung bình, công ty nhỏ. 

Nếu không thì cũng chỉ biết được rằng: nếu công ty tăng trưởng đều thì sẽ dễ phê duyệt. Nếu phê duyệt tăng như vậy có khi chưa phải là hết sức của doanh nghiệp, vì với điều kiện kinh doanh thuận lợi, kết quả của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và tăng nhiều hơn. 

Trong trường hợp ngược lại, khi thị trường có vấn đề, phải phê duyệt ở mức thấp hơn năm trước, cả về doanh thu và hiệu quả cổ tức thì ai là người dám trả lời câu hỏi của người đại diện vốn về việc năm nay kinh doanh không có lời do điều kiện thị trường khó khăn. Do vậy, việc đánh giá phải dựa trên tiêu chí cùng ngành, cùng quy mô và tính tới đặc thù của ngành, để tránh tình trạng cứ lỗ là xấu.

Nếu chúng ta quản trị doanh nghiệp mà không tính tới đặc thù của ngành, mà chỉ nhìn vào hiệu quả chia cổ tức, tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận thì sẽ không đánh giá hết được trách nhiệm và đóng góp của người đại diện vốn. 

Nhiều lúc gặp may, có lãi và hoàn thành kế hoạch thì người đại diện được thưởng, khen đề bạt nhưng sẽ hết sức vất vả trong điều kiện khó khăn và quản trị doanh nghiệp để lãi ít, hoặc không thua lỗ như doanh nghiệp tư nhân, nhưng người đại diện vẫn bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. 

Vì vậy, tôi cũng đề nghị: nếu tiếp nhận các mô hình có quy mô lớn hơn, phức tạp hơn thì cách thức tổ chức và quản lý đối với các danh mục dài hạn của SCIC nên có cách tiếp cận khác hơn, thị trường hơn, tạo điều kiện để đánh giá đúng hơn vai trò của người đại diện tại các doanh nghiệp.

Đổi mới trong công tác đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

(Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT Telecom) 

SCIC những năm gần đây có nhiều đổi mới trong công tác đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp.

unnamed-14

Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT Telecom

Trong năm 2019, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) đạt tăng trưởng 17,4%, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Để có được kết quả như vậy, bên cạnh nỗ lực của đơn vị, đó là sự tham gia và hỗ trợ trong công tác quản trị và giám sát của SCIC.

Với vai trò là cổ đông nhà nước năng động, SCIC đã tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty, tham gia vào công tác xây dựng chiến lược và định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, nâng cao hiệu quả đầu tư, tối ưu nguồn vốn.

Môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi thời gian đưa sản phẩm và dịch vụ đến tay người tiêu dùng ngày càng phải kịp thời và nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn được SCIC đồng hành, hỗ trợ và ủng hộ, để đạt kết quả kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp chưa thoái được vốn

(Ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong)

Việc phối hợp hiệu quả giữa người đại diện và SCIC đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Nhựa Tiền phong giữ được hiệu quả cao. Giai đoạn 5 năm gần đây (2015-2019) được xem là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của công ty với tốc độ tăng trưởng 10-25%; doanh thu tăng 10 lần; lợi nhuận tăng 5 lần; vốn điều lệ tăng 11 lần. Những con số ấn tượng này của nhựa Tiền Phong không tách rời khỏi sự giúp đỡ hiệu quả của SCIC.

Nhiều năm qua SCIC, thông qua người đại diện, luôn đồng hành cùng ban điều hành doanh nghiệp với vai trò như một cổ đông năng động, một nhà đầu tư chiến lược luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, giúp Nhựa Tiền Phong vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển và tìm ra những định hướng, bước đi phù hợp cho doanh nghiệp.

unnamed-19

Ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong

Ngoài việc chỉ định các người đại diện nằm trong bộ máy lãnh đạo, SCIC còn cử các là các cán bộ tham gia trực tiếp vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Mọi chủ trương kế hoạch phát triển kinh doanh của Nhựa Tiền Phong đều nhận được những ý kiến đóng góp của SCIC. SCIC đã tạo điều kiện cho người đại diện chủ động trong công tác hoạt động sản xuất doanh và trong các chế độ báo cáo định hướng được nhanh chóng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn nhà nước, Nhựa Tiền Phong là một trong 10 doanh nghiệp trong danh sách nhà nước sẽ thoái hết vốn tại doanh nghiệp, hạn chót là năm 2020. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này (tháng 7/2019), vẫn chưa có thông tin về kế hoạch thoái vốn. Nhiều cổ đông của Nhựa Tiền Phong rất quan tâm đến thời hạn thoái vốn và sẵn sàng mua thêm cổ phần NTP nhưng chưa có thông tin cụ thể. Quan điểm của tôi là nếu như chúng ta không có những chính sách giữ các thương hiệu Việt mà để rơi vào tay nước ngoài thì rất đáng tiếc. 

Trên thực tế, nhiều năm qua thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm các thương hiệu Việt. Rất nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng của Việt Nam đã được các doanh nghiệp nước ngoài mua thâu tóm chi phối, sau khi nhà nước thoái vốn hoàn toàn.

Mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước

(Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) 

Hội nghị người đại diện của SCIC được tổ chức thường niên là sự kiện rất quan trọng bởi vì người đại diện đã giúp SCIC giám sát việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của SCIC từ các doanh nghiệp có sự đóng góp không nhỏ từ công sức của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. 

unnamed-16

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Với lực lượng đông đảo gồm 259 người đại diện tại 144 doanh nghiệp của SCIC như hiện nay, tôi cho rằng đây là một cộng đồng rất mạnh, đã từng gắn bó với doanh nghiệp và với SCIC hơn 10 năm nay. 

Trong thời gian tới, danh sách người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, nhất là khi Chính phủ quyết liệt rà soát và thúc đẩy việc tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. 

Rất nhiều doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục chuyển giao vốn Nhà nước về SCIC, khi đó, danh mục doanh nghiệp của SCIC và cộng đồng người đại diện sẽ được tăng cường và bổ sung thêm. 

Chính vì vậy, tôi đánh giá cao việc SCIC đã có những đánh giá và phân loại đối với các người đại diện theo từng năm, qua đó thể hiện sự quan tâm, khuyến khích đối với những người làm tốt và hiệu quả, từ đó có những tác động nhất định tới việc nâng cao chất lượng của người đại diện ngày một tốt hơn.

Trong thời gian qua, việc cải tiến công tác quản lý người đại diện được SCIC thực hiện liên tục. Nhiều kiến nghị và đề xuất mà người đại diện nêu ra tại hội nghị đều là những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Việc cải tiến, điều chỉnh và lấy ý kiến người đại diện rất quan trọng. 

Tôi hoàn toàn thống nhất với một số đề xuất của các người đại diện trong việc phối hợp thuận tiện hơn, tính đến yếu tố đặc thù của từng doanh nghiệp, để công tác quản lý vốn nhà nước ngày càng hiệu quả. Những ý kiến đóng góp này cũng mong SCIC ghi nhận, nghiêm túc rà soát để có thể đưa ra những hướng dẫn thực hiện tốt hơn. Mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước, bảo toàn phát triển vốn nhà nước và chính sách cho người đại diện vốn được quan tâm một cách đầy đủ.

Đương nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định và cơ chế liên quan đến người đại diện sẽ có những vướng mắc mà do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan bất ngờ. 

Vấn đề ở đây là giải trình và bổ sung để thống nhất với nhau một nguyên tắc xuyên suốt là: sử dụng vốn đúng và hiệu quả. Để làm được việc này thì quan hệ của người quản lý - SCIC và người đại diện vốn tại doanh nghiệp, phải được quy định rõ ràng, phân công thuận lợi trong quá trình hoạt động.

Trong báo cáo cũng nêu ra một số cải tiến về công tác người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được quan tâm. Thứ nhất là cơ chế quản lý thông tin giữa người đại diện và SCIC. Đây là yêu cầu xuyên suốt vì nếu không có sự phối hợp về thông tin một cách đầy đủ và minh bạch giữa người đại diện và SCIC thì công tác giám sát không đạt được hiệu quả.

Thứ hai là chất lượng đề xuất của người đại diện. Việc thực hiện quản lý giám sát vốn phải được tiến hành hai chiều, một mặt là phù hợp với doanh nghiệp, mặt khác phải đảm bảo đúng quy định. 

Để làm được, chúng ta sẽ thực hiện phân loại và thường xuyên tổ chức các hội thảo trao đổi tập huấn về các nghiệp vụ về tài chính, về quản lý vốn cho các người đại diện. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng quản trị của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Mong muốn cuối cùng là phối hợp và phải có niềm tin với nhau. Nâng cao hơn nữa sự đoàn kết giữa cộng đồng người đại diện.

Nên đánh giá lợi thế của vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp) 

Năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh của SCIC đều đạt và vượt 100% so với kế hoạch. Tôi cho rằng đây là một sự cố gắng vượt bậc của SCIC, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ và sự cố gắng của Tổng công ty, để có được kết quả như ngày hôm nay.

unnamed-17

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Một trong những chức năng của SCIC là tiếp nhận vốn nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa theo các quy định, và gần đây nhất là theo chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Đến nay, trong số 62 doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển giao về SCIC, Tổng công ty này đã tiếp nhận được 32 doanh nghiệp, còn 30 doanh nghiệp. 

Nếu nhìn vào số lượng doanh nghiệp thực tế thì SCIC mới chỉ tiếp nhận được 51% số lượng doanh nghiệp theo quy định phải chuyển giao, nhưng nếu tính về giá trị vốn nhà nước thì số vốn Nhà nước mà SCIC đã tiếp nhận đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 94% tổng số vốn Nhà nước thuộc diện phải chuyển về SCIC. 

Như vậy, số vốn còn lại chưa chuyển về SCIC hiện là 6% (tương đương hơn 600 tỷ đồng). Đây là sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tổng công ty và các bộ, ngành, địa phương, trong việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-TTg và các quy định khác của pháp luật. 

Sau khi nghe các báo cáo của người đại diện vốn nhà nước, tôi hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn mà các người đại diện cũng như SCIC đang gặp phải trong quá trình phối hợp thực hiện. Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, chúng ta cần phân tích kỹ hơn đặc điểm của từng doanh nghiệp, những lợi thế của doanh nghiệp khi đang còn vốn nhà nước ở mức nào: trên 51%, 36-51%, dưới 36%. 

Với từng loại doanh nghiệp đó thì có lợi thế gì và không có lợi thế gì, vai trò của người đại diện ở doanh nghiệp có vốn nhà nước 36-51% như thế nào, tại doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 36% thì ra sao, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của nhà nước tại doanh nghiệp do tỷ lệ sở hữu của nhà nước đạt thấp.

Tôi cũng đề xuất là SCIC nên phân tích kỹ để thấy được sự tăng trưởng cao của các doanh nghiệp đến từ đâu? Chẳng hạn như lợi thế về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, đối với những doanh nghiệp đạt tăng trưởng cao trong các năm thì nhà nước đang nắm giữ bao nhiêu % trong đó. 

Điều này là rất quan trọng vì khi có những thông tin thực tế chúng ta có thể thảo luận và phân tích kỹ hơn về lợi thế công ty, từ đó xây dựng chiến lược của Tổng công ty phù hợp và sát hơn với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.

Ngoài ra, với các mức tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp khác nhau, trên cơ sở xem xét lợi thế của doanh nghiệp, chúng ta sẽ cân nhắc việc có thoái vốn hay không. Tôi cũng chia sẻ là khi nhà nước thoái vốn thì những người đại diện sẽ có chút băn khoăn do không biết đi về đâu.  

Không để doanh nghiệp đứt quãng chỉ vì việc thoái vốn

(Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC) 

Nhiều năm qua, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của SCIC về công tác người đại diện, SCIC đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Cụ thể, SCIC đã phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó đặc biệt lưu ý quy định về nghĩa vụ xin ý kiến của Người đại diện, quy định cụ thể về chế tài với người đại diện vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo của SCIC…

unnamed-18

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC

Về quản trị danh mục, ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã thực hiện việc phân loại danh mục đầu tư theo nhóm ngành và theo quy mô doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp quản trị phù hợp đối với từng nhóm doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp.

Việc kiện toàn nhân sự, tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng: tăng cường cử cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm/biệt phái đến làm việc tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện, cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp, Nhà nước... 

Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hoá các công ty TNHH MTV, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã duyệt, nâng cao năng lực điều hành cho người đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp.

SCIC tiếp tục ủng hộ và đề cử những người đại diện xứng đáng giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. SCIC cũng sẽ giám sát chặt chẽ tính tuân thủ của người đại diện đối với các chỉ đạo của SCIC.

Sắp tới, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi cũng sẽ báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, các doanh nghiệp thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn sau khi có kết luận của Chính phủ, sửa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trong khi đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp chưa thoái được vốn mà nhu cầu đầu tư đang có, SCIC sẽ xây dựng phương án cho từng trường hợp cụ thể. Có thể SCIC đầu tư thêm để thoái vốn hiệu quả hơn, hoặc phân tích dự án nếu thấy hiệu quả thì có thể đầu tư thêm để tiếp tục triển khai dự án. SCIC nhất định không để doanh nghiệp đứt quãng chỉ vì việc thoái vốn mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả năm 2018 cũng cho thấy, tổng doanh thu của 145 doanh nghiệp thuộc danh mục của SCIC là 162 nghìn tỷ đồng, bằng 90% so với 2017, tổng lợi nhuận sau thuế là 29.700 tỷ đồng, bằng 124% so với 2017, tổng vốn chủ sở hữu là 135 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với 2017. Có 133/145 doanh nghiệp có lãi so với 128/145 doanh nghiệp có lãi năm 2017.

Nhiều doanh nghiệp trong danh mục đạt hiệu quả cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2018, điển hình như: Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (347% kế hoạch), Công ty Cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (227%), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (259%), Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (237%), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (180%), ...

Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 30% như Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (93%), Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (71%), Công ty Cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (40%), Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (39%), Công ty Cổ phần Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa (31%), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (31%)…