Quảng Bình sẽ phát triển Phong Nha – Kẻ Bàng thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế
Theo Quy hoạch, Quảng Bình định hướng phát triển các khu, điểm du lịch theo 4 cụm trọng điểm. Đặc biệt, cụm A với khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là khu trọng điểm sẽ được đầu tư để trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao...
Ngày 25/6 tới đây, Quảng Bình sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo Quy hoạch, Quảng Bình định hướng phát triển các khu, điểm du lịch theo 4 cụm trọng điểm.
Cụm A với Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng với mục tiêu phát triển khu du lịch này trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao.
Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới, nơi sở hữu nhiều hang động kỳ bí, thu hút nhiều nhà thám hiểm, nhà khoa học, du khách tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm. Cụ thể như động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy Cung…
Cụm B được xác định là thành phố Đồng Hới và các khu vực du lịch biển phụ cận. Với cụm này, Quảng Bình ưu tiên hỗ trợ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc biển, trong đó có các điểm du lịch có giá trị cao như sân golf, biệt thự.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch ven sông Nhật Lệ, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí tại thành phố Đồng Hới, các khu nghỉ dưỡng theo mô hình cộng đồng…
Định hướng này đã và đang được Quảng Bình triển khai thu hút đầu tư mạnh, đặc biệt là là đang đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển kéo dài 86 km từ Nam Roòn đến Vĩnh Linh. Đồng thời đầu tư những chiếc cầu bắt qua sông Nhật Lệ, mục tiêu là thu hút đầu tư các dự án du lịch nghĩ dưỡng cao cấp và đô thị ven biển trong thời gian tới.
Khu vực phía Nam tỉnh Quảng Bình định hướng sẽ là Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử và nghỉ dưỡng được xác định là Cụm C trong phương án phát triển các khu du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Khu vực này sở hữu các hạ tầng tâm linh như chùa Non - núi Thần Đinh, chùa Hoàng Phúc, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang… Đây là những điều kiện cơ bản để định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử.
Trong khi đó, Cụm D được xác định ở các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nơi có Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sơn quan, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Làng văn hóa Cảnh Dương, chợ phiên Ba Đồn, thác Bụt, giếng Nguồn… Những giá trị văn hóa, lịch sử này là nền tảng để Quảng Bình định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử.
Theo Sở Du lịch Quảng Bình, với lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan, danh thắng nổi tiếng về hang động, sông biển… Quảng Bình xác định du lịch sẽ làm một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới.