09:17 28/05/2023

Nỗ lực phát triển logistics tại Quảng Bình - Quảng Trị

Nguyễn Thuấn

Quảng Bình và Quảng Trị cùng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành những trung tâm logistics của khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics...

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Quảng Bình
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Quảng Bình

Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Trong khi tại hai địa phương Quảng Bình và Quảng Trị đều có lợi thế phát triển logistics khi có cả cảng biển và cửa khẩu quốc tế, điều kiện giao thông thuận lợi.

QUẢNG BÌNH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ CHALO TRỞ THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics đến năm 2030 với mục tiêu đưa tỉnh trở thành đầu mối về dịch vụ Logistics của khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng dịch vụ logistics, kêu gọi đầu tư trung tâm logistics tại Khu kinh tế Hòn La; Nâng cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh, thu hút các luồng hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, cảng biển.

Tỉnh cũng ưu tiên phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo trở thành trung tâm logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa kết nối giữa đông bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Để hiện thực mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Bình đang rà soát, điều chỉnh các phương án, quy hoạch có liên quan về đất đai, xây dựng, giao thông vận tải… phù hợp kế hoạch phát triển logistics; tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành, bảo đảm đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Lập danh mục các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư trung tâm logistics hạng II tại Khu kinh tế Hòn La nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.

Tỉnh Quảng Bình cũng huy động tối đa mọi nguồn lực, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics của tỉnh Quảng Bình theo hướng kết nối các trục ngang Đông -Tây gắn với trục dọc theo các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường sắt và cảng biển Hòn La.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh trong lĩnh vực: khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, may xuất khẩu, chế biến nông, thủy sản, đồ gỗ... áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến phục vụ xuất khẩu, tỉnh Quảng Bình kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về hoạt động dịch vụ logistics mở văn phòng, chi nhánh đại diện tại địa bàn, tạo đầu tàu dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics của tỉnh.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình có một số doanh nghiệp đang kinh doanh, thu hút nguồn hàng từ Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo về cảng Hòn La và ngược lại. Tuy nhiên, việc kết nối và phát triển thị trường dịch vụ logistics còn hạn chế nên ngành dịch vụ này chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LOGISTICS CỦA QUẢNG TRỊ

Thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương này cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào logistics ở khu vực cửa khẩu, cảng biển nhằm hiện thực hóa trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây vào năm 2030.

Cảng biển Cửa Việt, Quảng Trị.
Cảng biển Cửa Việt, Quảng Trị.

Quảng Trị có thế mạnh về phát triển hệ thống logistics do nằm ở điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây tức Quốc lộ 9.
Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang xây dựng và cảng biển Cửa Việt, đồng thời giao cắt với hệ thống giao thông huyết mạch theo trục Bắc – Nam như: Quốc lộ 1A, cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông, đường ven biển. Trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây Quảng Trị còn có hai cửa khẩu quốc tế đường bộ gồm Lao Bảo và La Lay.

Cảng biển Cửa Việt hiện có năng lực thông quan trên 1,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Hạ tầng logistics ở cảng biển này đang được quan tâm đầu tư thông qua mở rộng bến bãi. Đến năm 2024 việc mở rộng cảng Cửa Việt với diện tích trên 11 ha, dự kiến sẽ hoàn thành. Cảng biển Mỹ Thủy ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 14.200 tỷ đồng với 10 bến, diện tích 685 ha; giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2025. Ngoài việc tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn, cảng Mỹ Thủy còn có hệ bến bãi để trung chuyển hàng hóa từ các nước: Myanmar, Lào và Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hạ tầng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa. Hiện nay hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet (Lào) đang phối hợp triển khai Đề án thí điểm xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, dự kiến thực hiện năm 2024. Dự án này đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư hạ tầng kho bãi ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Theo dự thảo Đề án thí điểm xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, cơ cấu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ doanh nghiệp, dự kiến khoảng 70-80% theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cửa khẩu quốc tế La Lay hạ tầng chưa đáp ứng được năng lực thông quan hàng hóa, nhất là mặt hàng than nhập từ Lào về Việt Nam tăng đột biến từ cuối năm 2022 đến tháng 5/2023. Nguyên nhân là do thời gian qua việc đầu tư nâng cấp hạ tầng diễn ra manh mún, chắp vá và chạm trễ. Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, đồng thời sớm đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối cửa khẩu này với cảng biển Mỹ Thủy.

Ngoài cửa khẩu và cảng biển, tỉnh Quảng Trị còn thu hút đầu tư vào logistics ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, quy mô gần 71 ha, thực hiện giai đoạn từ năm 2020 - 2025.

Dự án hoàn thành sẽ trở thành trung tâm dịch vụ giao nhận và lưu kho hàng hóa, giám sát hàng gửi, dịch vụ hải quan, vận chuyển hàng hoá từ nhà sản xuất đến tận nơi tiêu thụ.