10:39 29/10/2018

Quốc hội đang giảm dần tranh luận?

Nguyên Vũ

Hai ngày, bốn phiên thảo luận, trong 3 vị dùng quyền tranh luận thì một vị gần như là cung cấp thông tin về một vấn đề được đại biểu khác đề cập

Một trong ba tấm biển tranh luận được sử dụng trong hai ngày thảo luận về kinh tế -  xã hội của Quốc hội.
Một trong ba tấm biển tranh luận được sử dụng trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội.

Quốc hội khoá 14 vừa kết thúc tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ sáu với hai ngày cuối tuần liên tục thảo luận về kinh tế - xã hội.

Theo dõi cả bốn phiên, không khó để nhận ra rằng những tấm biển tranh luận đã vô cùng thưa thớt.

Kết thúc hai ngày đã có 88 vị phát biểu và chỉ có 3 đại biểu dùng quyền tranh luận, tức là trung bình mỗi phiên chưa có đến 1 tấm biển tranh luận được giơ lên.

Hầu hết các ý kiến đều bắt đầu bằng "cơ bản tán thành" với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, điểm qua một số kết quả nổi bật và nói sâu hơn về một số hoặc nhiều tồn tại, hạn chế.

Trong 3 vị dùng quyền tranh luận thì một vị gần như là cung cấp thông tin về một vấn đề được đại biểu khác đề cập, chứ không hề tranh luận.

Đó là vào phiên thảo luận đầu tiên (sáng 26/10), đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) có nêu một ví dụ điển hình về "phạt cho tồn tại": cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị ở Hải Phòng.

Chiều cùng ngày, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, ông Bùi Thanh Tùng đã giơ biển tranh luận nhưng là để "xin trao đổi để các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước nắm rõ hơn sự việc" chứ không tranh luận gì.

Cũng là người hiếm hoi giơ biển tranh luận, đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) "đính chính" một số thông tin đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đã phát biểu liên quan đến việc quy hoạch các dự án du lịch ven biển.  

Hai chữ tranh luận sau đó được đại biểu Nguyễn Văn Man (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình) sử dụng khi đến lượt phát biểu sau khi đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu thực tế bức xúc về vấn đề khai man, làm giả hồ sơ thương binh. Bà Thuỷ nói dư luận rất bức xúc khi phát hiện gần 600 hồ sơ thương binh tại Nghệ An không đúng pháp luật và phải đình chỉ chế độ.

Đại biểu Thuỷ cũng dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là tính đến tháng 4 /2017, kết quả thanh tra tại 5 quân khu và 29 địa phương đã phát hiện 1800 hồ sơ giả mạo.

Vấn đề vị đại biểu này đặt ra là tại sao các vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài và với số lượng lớn như vậy nhưng cấp cơ sở ở nhiều nơi không phát hiện được, mà chỉ đến khi thanh tra của hai bộ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng vào cuộc theo đơn tố cáo thì mới phát hiện ra.

"Xin tranh luận" nhưng đại biểu Man cũng chỉ trình bày rằng đây là vấn đề lớn do lịch sử, thủ tục và quy trình để lại nên có những vấn đề trong quá trình thực hiện có điều chỉnh Trong quá trình thực hiện đã phát hiện ra một số hồ sơ sai sót và nghi vấn sai sót, trong đó Quân khu IV và Bộ Quốc phòng nói chung cũng như tỉnh Quảng Bình nói riêng tiến hành thực hiện các bước rất cụ thể. Sau khi thanh tra đã tích cực xử lý, xác minh, kết luận hồ sơ sai sót và nghi vấn sai sót theo kết luận của thanh tra.

Người thứ ba dùng quyền tranh luận là đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), sau khi nghe đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) thúc giục Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác với công ty chủ động xử lý giai đoạn 2 - dự án nằm trong số 12 đại dự án yếu kém của ngành công thương.

Tranh luận là bởi theo quan điểm của đại biểu Hồng thì việc thoái vốn của dự án đại biểu Hùng đang sốt ruột cần hết sức thận trọng. Vì như một số vị đại biểu đã cảnh báo, nếu thoái vốn, cổ phần hóa không tốt thì sẽ thất thoát tài sản nhà nước. Ông Hồng cho rằng không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng thoái vốn, cũng phải cổ phần hóa, vì doanh nghiệp nhà nước là công cụ để quản lý nhà nước, là nền tảng cốt lõi của nền kinh tế.

Cuộc tranh luận dừng ở đó. Nếu so với các tranh luận trước thì cuộc này rõ tính tranh luận hơn cả. Nhưng so với kỳ họp liền trước (kỳ thứ 5) thì có thể nói không khí tranh luận đã gần như không có. Chỉ có 1,5 ngày ngày thảo luận với 60 đại biểu phát biểu nhưng kỳ họp thứ 5 có đến 13 vị dùng quyền tranh luận và một số vị đã giơ biển nhưng được đề nghị tạm dừng nên không đăng đàn.

Còn nhớ, hai cuộc tranh luận nảy lửa khi đó một liên quan đến tác động của dầu thô đến tăng trưởng và hai là vụ bác sỹ Hoàng Công Lương. Cả hai cuộc đều có ít nhất ba lần các tấm biển tranh luận phát huy tác dụng, và nếu chủ toạ không đề nghị dừng thì có thể số lượng biển tranh luận xuất hiện nhiều hơn nhiều con số 3. Có những vấn đề được tranh luận từ hôm trước, hôm sau vẫn được vị khác tiếp tục.

Các phiên thảo luận ở kỳ họp nào cũng có phần giải trình của một số vị bộ trưởng. Kỳ thứ 5 có đại biểu đã giơ biển để tranh luận để tranh luận với bộ trưởng.

Kết thúc cả ba phiên thảo luận ở kỳ họp trước, trong các nhận xét của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển về không khí và chất lượng có cụm từ, "mang tính phản biện cao"

Còn kết thúc bốn phiên thảo luận ở kỳ họp thứ sáu, đánh giá của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển là: "mang tính phản biện khá cao".

Hai nhận xét có khác nhau một chữ "khá", liệu điều này có liên quan đến số biển tranh luận 13 cho 1,5 ngày của kỳ trước và 3 cho 2 ngày của kỳ họp đang diễn ra?