Quốc hội thêm ghế trống: "Nói chung là đáng buồn"
"Có nhiều lý do nhưng nói chung là đáng buồn và công tác cán bộ của chúng ta, như thế cần đánh giá, xem xét lại"
"Có lẽ trong lịch sử 4 khóa tham gia Quốc hội, tôi chưa thấy khoá nào như vậy, có nhiều lý do nhưng nói chung là đáng buồn và công tác cán bộ của chúng ta, như thế cần đánh giá, xem xét lại".
Đó là trao đổi của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề của xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi với VnEconomy bên hành lang Quốc hội, sáng 21/5.
Khi đó, Quốc hội vừa xong phiên trù bị của kỳ họp thứ 5, một kỳ họp có thêm 4 chiếc ghế trống của ông Ngô Đức Mạnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh.
Cảm giác của ông thế nào với việc kỳ họp này có thêm tới 4 ghế trống tại hội trường Quốc hội?
Tôi nghĩ ghế trống mà như đại biểu Ngô Đức Mạnh đi làm nhiệm vụ đại sứ ở Nga thì đó cũng là điều vinh dự cho Quốc hội. Tuy nhiên còn tới 3 đại biểu khác phải cho thôi hoặc đương nhiên mất quyền đại biểu khi toà án tuyên có tội thì đó cũng là nỗi buồn cho nhiệm kỳ quốc hội khóa 14 này.
Có lẽ trong lịch sử 4 khóa tham gia quốc hội, tôi chưa thấy khoá nào như vậy, có nhiều lý do nhưng nói chung là đáng buồn và công tác cán bộ của chúng ta, như thế cần đánh giá, xem xét lại.
Trước thềm kỳ họp này của Quốc hội thì báo chí cũng đặt câu hỏi về xác định trách nhiệm trong việc giới thiệu, thẩm tra những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội dẫn đến tình trạng người trúng cử không được xác nhận tư cách, người bị kỷ luật, người rơi vào vòng lao lý. Và câu trả lời từ một một vị có trách nhiệm là "trách nhiệm thuộc về nhân dân, cử tri". Ông có đồng tình với câu trả lời này không?
Đổ lỗi cho dân là không đúng. Vấn đề ở đây là chúng ta lựa chọn một cách rất bài bản, đi từ hướng dẫn từ cơ sở, giới thiệu từ cơ sở, trên xem xét rồi đưa ra mặt trận để hiệp thương. Quá trình của chúng ta làm rất chặt chẽ bài bản nhưng tại sao vẫn lọt người như vậy thì tôi cho rằng việc các tổ chức xem xét đánh giá công tác cán bộ và công tác hiệp thương của mặt trận chưa được nghiên cứu kỹ.
Trách nhiệm của dân là lá phiếu nhưng vì không phải là người dân trực tiếp giới thiệu và bỏ phiếu mà do quy trình từ dưới lên và từ trên xuống và phải thông qua hiệp thương mới có danh sách đó. Dân người ta chỉ bỏ phiếu trong danh sách đó chứ có bỏ ngoài danh sách đâu nên nếu nói trách nhiệm thuộc về cử tri thì không đúng.
Tôi nghĩ có lẽ cử tri có phần trách nhiệm là vì không biết nên không bỏ trúng được người xuất sắc nhưng cái quan trọng là công tác quy hoạch và hiệp thương của mình chưa chắc chắn và có lẽ cũng có lỗ hổng nào đó.
Vâng, có lẽ chưa khóa Quốc hội nào mà mới nửa đầu nhiệm kỳ đã khuyết tới 9 đại biểu do các vấn đề khác nhau. Có những đơn vị bầu cử như Quảng Nam, một đại biểu mất, một người mất quyền (ông Khánh). Một tỉnh mà ‘khuyết" tới hai đại biểu như vậy thì ảnh hưởng thế nào tới tâm tư nguyện vọng của cử tri?
Rõ ràng là khi đại biểu Quốc hội mất đi, thôi làm nhiệm vụ đại biểu hay bị miễn nhiệm mà làm cho khu vực bầu cử bị thiếu đại biểu thì cũng làm cho tiếng nói của địa phương đó bị ảnh hưởng tại Quốc hội. Và rõ ràng sự gắn bó giữa cử tri với đại biểu cũng bị mỏng đi. Và như Quảng Nam, một tỉnh mà mất tới 2 người thì rõ ràng là ảnh hưởng lớn đến ý kiến của cử tri phản ánh về Quốc hội.
Tôi nghĩ là việc này chúng ta cũng cần tính toán đến. Ví dụ, nếu chỉ mất 1 người hoặc mất người ở những tỉnh thành lớn, có nhiều đại diện thì người ta có thể điều tiết được nhưng như Quảng Nam, vốn đã rất ít đại biểu rồi mà giờ lại mất đi 2 thì rõ ràng khó khăn rất lớn cho chính các đại biểu của địa phương này đang còn hoạt động và cũng là khó khăn cho cử tri khi muốn phản ánh tâm tư đại biểu của mình với Quốc hội.
Thế còn hoạt động của Quốc hội thì sao, khi Quốc hội quyết định theo đa số, mỗi lá phiếu đều có ảnh hưởng tới các quyết định quan trọng của đất nước?
Thực ra cũng có ảnh hưởng nhưng nói tóm lại thì con số này so với tổng số gần 500 đại biểu thì cũng không phải là một tỷ lệ lớn, cũng không tác động lớn lắm tới quyết định của Quốc hội. Với những đại biểu đương nhiên bị mất quyền hoặc là phải cho thôi thì đó cũng không phải là những đại biểu xuất sắc gì để chúng ta phải cần vì ý kiến của họ cực kỳ quan trọng mà cái cần rút kinh nghiệm chính là từ đầu đã lựa chọn không đúng.
Vậy theo ông thì có cần đổi mới công tác bầu cử sau "sự kiện" về những chiếc ghế trống ở nhiệm kỳ này?
Luôn luôn phải đổi mới công tác bầu cử. Tất nhiên phải có cơ cấu vì Quốc hội của mình chưa phải như Quốc hội các nước. Nhưng sau đó công tác hiệp thương của mặt trận phải làm rất kỹ và có lẽ ta phải nghe thêm ý kiến của nhân dân. Tôi nghĩ trong số những người bị cho thôi làm nhiệm vụ hay đương nhiên mất quyền đại biểu vừa rồi trong quá trình bầu cử có khi người dân đã ý kiến rồi nhưng chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình để nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Tôi nghĩ việc đổi mới để lựa chọn đại biểu Quốc hội luôn luôn cần thiết, lấy chất lượng làm gốc.
Theo ông có cần đổi mới việc vận động bầu cử, cho tranh cử để cử tri có thể lựa chọn đúng người?
Việc đó rất cần thiết, danh sách bầu cử đã có số dư rồi thì tại sao không cho tranh luận, tranh cử. Cái đó hoàn toàn có thể làm được. Giờ chúng ta đang giới thiệu, bầu 5 để lấy 3 thì người ta vẫn có quyền đưa ra phương án là nêu chương trình hành động, nếu trúng cử thì làm gì, hứa gì… Thực ra chúng ta đã làm cái này rồi nhưng chỉ có điều tranh cử quyết liệt, thể hiện một cách công khai minh bạch thì ta chưa thể hiện rõ.
Tức là các ứng viên mới chỉ trình bày chương trình hành động chứ không tranh luận?
Đúng thế. Bây giờ, ví dụ ở một tổ bầu cử 5 người lấy 3 thì nên để tất cả các ứng viên có quyền tranh luận về chương trình hành động của người khác. Nếu là tôi thì tôi làm thế nào, dự kiến của anh tốt hay không tốt ở chỗ nào… Qua đó người ta sẽ thấy được chất lượng của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội thấy được mục đích của mỗi người vào Quốc hội để làm gì. Việc đó là rất quan trọng.