16:54 28/03/2022

Quý 1/2022, Hà Nội xử lý trên 4.400 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Vũ Khuê

Các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý 4.418 vụ. Khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 538,524 tỷ đồng...

Ngày  25/2 lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện thu giữ trên 5.000 que test Covid-19.
Ngày 25/2 lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện thu giữ trên 5.000 que test Covid-19.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, quý 1/2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường kinh doanh thương mại điện tử và vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Cụ thể, trong quý 1/2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ; xử lý 4.418 vụ. Khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 538,524 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra 615 vụ, xử lý 598 vụ. Phạt hành chính 8,105 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 13,232 tỷ  đồng.

Công an thành phố phát hiện 1.011 vụ, xử lý 962 vụ. Khởi tố hình sự 42 vụ với 59 đối tượng. Phạt hành chính 6,608 tỷ đồng, truy thu thuế 82,011 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 13,215 tỷ đồng.

Cục Hải quan thành phố phát hiện, bắt giữ và xử lý 207 vụ; phạt hành chính 10,051 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 281 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 49,155 tỷ đồng.

Trong số các vụ vi phạm quý 1/2022 có 763 vụ hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại 3.543 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 112 vụ.

Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội nhận định, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tăng cao, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các mặt hàng tập trung chủ yếu là các loại hàng hóa tiêu dùng có nhu cầu cao như: quần áo, đồ điện, điện tử, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, pháo nổ, thuốc lá…

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 tăng cao, một số đối tượng chào bán trên mạng internet nhiều loại sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 như bộ kít thử xét nghiệm nhanh Covid-19; kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp phòng chống Covid-19… nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không được phép lưu hành...

Một số đối tượng khác lợi dụng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý hoặc đầu cơ găm hàng đối với hàng hóa là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch Covid-19.

Ngoài ra, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua đường hàng không và bưu chính quốc tế cũng được các đối tượng buôn lậu che đậy rất tinh vi qua hình thức bưu kiện hàng hoá là quà tặng, quà biếu… được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Các mặt hàng chủ yếu là hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: sản phẩm từ động vật hoang dã, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế…