15:43 10/11/2021

Quy hoạch TP. Bảo Lộc là đô thị thông minh, quy mô phát triển tương đương cấp tỉnh của Lâm Đồng

Mộc Minh

TP. Bảo Lộc sẽ là trung tâm kết nối giao thương của tỉnh Lâm Đồng với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; quy mô phát triển tương đương tỉnh lỵ trong tương lai…

TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.

Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên của 59.771ha.

Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Bảo Lộc (6 phường, 5 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc).

Ranh giới cụ thể: phía Đông giáp huyện Di Linh; phía Tây giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai; phía Nam giáp huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; phía Bắc giáp các xã còn lại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

Mục tiêu, đến năm 2025, TP. Bảo Lộc sẽ trở thành đô thị loại II; đến năm 2040, tiệm cận tiêu chuẩn đô thị loại I, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.

Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh; là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.

Phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: Thương mại - dịch vụ, Dịch vụ du lịch, Trung tâm Văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - thông minh - hữu cơ.

 
TP. Bảo Lộc sẽ phát triển theo hướng đô thị xanh và bền vững, phát huy môi trường sống theo hướng bố trí các làng đô thị xanh và các khu đô thị.
Là trung tâm Dịch vụ - Thương mại hỗ hợp; Trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao; Trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cấp vùng và quốc gia; Trung tâm kiểm định hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng; Sản xuất vật liệu mới; Chế biến dược liệu; Công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ khai khoáng…

Theo quy hoạch, dự báo quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 257.900 người, trong đó nội thành là 135.700 người, ngoại thành và vùng phụ cận 122.200 người.

Đến năm 2040, dân số đô thị khoảng 320.000 người, trong đó nội thành là 168.000 người, ngoại thành và vùng phụ cận 152.000 người.

Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 3.800ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.000ha).

Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.500ha).

Về định hướng phát triển không gian đô thị TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận sẽ theo các hướng chính.

Trục Lý Thường Kiệt – Phạm Ngọc Thạch - là trục tổng hợp trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa thể thao.

Trục Nguyễn Văn Cừ trục kết nối từ trung tâm đô thị hiện trạng sang khu trung tâm hành chính mới qua công viên hồ Nam Phương.

Trục quốc lộ 20 là các hoạt động dịch vụ hỗn hợp, dịch vụ, du lịch thương mại, ở, kết nối đến khu trung tâm nghiên cứu giáo dục đào tạo.

Trục Lý Thái Tổ kết nối đi khu du lịch Thác ĐamBri.

Trục Lạc Long Quân - Phan Ngọc Hiển kết nối đến các khu du lịch sức khỏe, khu công nghiệp Lộc Sơn.

Các trục giao thông chính kết nối với tuyến đường vành đai xanh, từ đó kết nối đi tới các đô thị xung quanh, khu du lịch núi Đại Bình.

Một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 - Nguồn: Sở Xây dựng Lâm Đồng.
Một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 - Nguồn: Sở Xây dựng Lâm Đồng.

Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm TP. Bảo Lộc.

Cụ thể, không gian TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận được định hướng chia thành 09 khu vực phát triển chính cho toàn khu vực bao gồm: Khu vực trung tâm đô thị (1.825ha); Khu vực phát triển mới phía Đông (2.437ha); Khu vực phát triển đô thị  phía Nam (1.746ha); Khu vực phát triển dân cư và du lịch sinh thái (9.941ha); Khu vực phát triển đô thị mật độ thấp phía Tây (1.306ha); Khu vực dự trữ phát triển phía Bắc (2.560ha); Khu vực phát triển du lịch thác Đam B’Ri (2.746ha); Khu vực trung tâm xã Lộc An (1.212ha); Khu vực phát triển và bảo tồn Nông - Lâm nghiệp (36.002ha).

Các không gian nhà ở cũng được định hướng phân bố theo 09 khu dân cư.

Khu dân cư số 1: Trung tâm đô thị hiện hữu gồm các phường 01, khu vực phía Nam phường 02 và phường Lộc Tiến, phía Bắc phường B’Lao và Lộc Sơn.

Khu dân cư số 2: Khu vực nằm 1 phần phường Lộc Phát phía Đông Bắc, phía Đông Nam; khu vực xã Lộc Thanh, phía Bắc xã Lộc Nga.

 Khu dân cư số 3: Khu vực phường B’Lao, phường Lộc Sơn, khu vực xã Lộc Nga.

Khu dân cư số 4: Khu vực núi Đại Bình bao gồm khu vực xã Lộc Châu, Đại Lào, Lộc Thành, Tân Lạc.

Khu dân cư số 5: Khu vực vùng cửa ngõ phía Tây bao gồm khu vực phía Bắc xã Lộc Châu, 1 phần Đông Nam phương Lộc Tiến.

Khu dân cư số 6: Khu vực Tây Bắc bao gồm khu vực phía Nam xã Đam Bri, khu vực phía Tây Bắc phường 2, Tây Bắc và Tây Nam phường Lộc Tiến, Tây Bắc xã Lộc Châu.

Khu dân cư số 7: Bao gồm 1 phần khu vực xã Đam Bri, khu vực phía Bắc xã Lộc Tân.

 Khu dân cư số 8: Bao gồm các khu vực trung tâm dọc theo tuyến quốc lộ 20.

Khu dân cư số 9: Bao gồm khu vực dân cư nông thôn còn lại.

Đối với định hướng nông nghiệp, TP. Bảo Lộc sẽ phát triển các cây công nghiệp dài ngày, như: cây chè ở Bảo Lộc, những vùng chuyên canh tập trung khá lớn như vùng Lộc Phát - Lộc Thanh, vùng tiếp giáp giữa phường B’Lao - Lộc Sơn; Cây cà phê gồm Arabica, Robusta, mít... hình thành những vùng chuyên canh tập trung như Lộc Nga - Lộc Thanh và dâu tằm… Khuyến khích người nông dân, nhà vườn chuyển đổi, cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái có giá trị cao.

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ hình thành các khu công nghiệp chế biến Lộc Sơn tại phía Nam thành phố.

Về định hướng mở rộng đô thị, đến năm 2040, đề xuất mở rộng khu vực nội thị dự kiến ra một phần khu vực các xã Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga và các xã phụ cận thuộc Bảo Lộc sẽ nhập vào TP. Bảo Lộc.

 
Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư
Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách: Hoàn thiện tuyến vành đai phía Nam và đầu tư xây dựng mới vành đai phía Bắc; Hoàn thiện không gian cảnh quan khu vực Hồ Nam Phương; Xây dựng trung tâm hành chính tại khu vực quy hoạch mới; Cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị cũ.
Ngoài ra, còn có các dự án: Tổ hợp dịch vụ - khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ); Khu tổ hợp dịch vụ - khu du lịch sinh thái - sân golf - cáp treo núi SaPung; Dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Lộc Phát…
Hình thành khu, cụm công nghiệp phía Tây thành phố theo quy hoạch, trước mắt phục vụ cho ngành tơ lụa Bảo Lộc…
Dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa: Dự án khu du lịch sinh thái núi Đại Bình; Các dự án khu đô thị, khu dân cư.