Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Đại biểu râm ran, hậu giám sát sẽ thế nào?
Một thời hạn cụ thể cho Chính phủ hoàn thành việc rà soát những quỹ hiện có đã không được đặt ra
Tại sao cứ mỗi lần làm một luật lại sinh ra một quỹ? đại biểu Quốc hội từ khoá trước cũng đã râm ran, cũng nói rất nhiều, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh.
Quỹ được bà Nga nhắc tới ở đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, đối tượng cuộc giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành.
Kết quả cuộc giám sát đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 13/8.
Là người đầu tiên phát biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét: "lâu lắm mới thấy có cuộc giám sát có các địa chỉ cụ thể, đánh giá rõ ràng, đề xuất khá cụ thể và rất thẳng thắn. Với những tài liệu gửi Thường vụ, chất lượng cuộc giám sát này tôi đánh giá rất tốt".
Đại biểu Nga cũng rất quan tâm đến đề xuất bỏ quỹ nào, để quỹ nào được đoàn giám sát kiến nghị rất cụ thể.
Trong 48 quỹ đang tồn tại, Đoàn giám sát kiến nghị bãi bỏ ngay 6 quỹ, xác định rõ lộ trình bãi bỏ 3 quỹ. Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng lặp về đối tượng hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và thực hiện cơ cấu lại hoạt động đối với một số quỹ: quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ phát triển rừng, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia.
Một số quỹ tài chính khác ở địa phương, như: quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; quỹ hỗ trợ nông dân; quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ phát triển đất; quỹ bảo lãnh tín dụng…cũng được đề nghị xem xét, sáp nhập.
Cơ sở của những đề nghị trên không chỉ được nêu rõ ràng tại báo cáo kết quả giám sát mà còn được thể hiện chi tiết tại một số phụ lục, trong đó có riêng một bản phụ lục về tồn tại, hạn chế của các quỹ. Không chỉ lập luận bằng lời mà với mỗi quỹ được đề nghị bãi bỏ hay sáp nhập Đoàn giám sát đều có những con số cụ thể để chứng minh sự cần thiết.
Chẳng hạn, đối với quỹ dịch vụ viễn thông công ích (một trong ba quỹ được đề nghị xác định lộ trình bãi bỏ) báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn giám sát, tổng nguồn thu đã thu của các doanh nghiệp viễn thông là 6.776 tỷ đồng. Kinh phí đã sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ là 389 tỷ đồng, chỉ đạt 5,82% kinh phí đã thực thu, trong khi kinh phí chi cho đảm bảo bộ máy quỹ là 131 tỷ đồng (tương đương 33,67% kinh phí đã giải ngân cho mục đích viễn thông công ích, 18,26% giá trị sản lượng thực hiện), tổng số cán bộ công nhân viên xấp xỉ 90 người.
Do dư nguồn quá lớn Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quỹ hoàn trả lại vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thu về ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng năm 2013 và 1.327 tỷ đồng năm 2018 từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông theo Chương trình 1168.
Theo đoàn giám sát thì việc đề ra cơ chế thu dẫn đến tồn quỹ lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn thiếu hụt và phải điều tiết nguồn thu của quỹ về ngân sách nhà nước là chưa phù hợp.
Vô số những bất cập khác cũng được chỉ ra tại báo cáo chính và các phụ lục cho thấy sự cần thiết phải "thanh lọc" các quỹ.
Song, hình như kiến nghị liên quan đến các quỹ thuộc các lĩnh vực được cho là nhạy cảm như phòng chống thiên tai, bình ổn giá xăng dầu, bảo vệ rừng...đã khiến một số vị lo ngại.
Bây giờ bỏ ngay quỹ bình ổn xăng dầu sẽ khó kiểm soát được lạm phát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Khái quát chung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không rõ ràng và không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn.
Bà Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết, đánh giá hiệu quả của các quỹ và đưa ra định hướng là cần phải rà soát, đánh giá thật kỹ từng quỹ.
Đề nghị Chính phủ trên cơ sở rà soát, đánh giá lại thì xây dựng một kế hoạch, một lộ trình để sắp xếp, sáp nhập hay giải thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, có một kế hoạch và lộ trình chứ đừng đưa vào đây là giải thể quỹ nào sẽ rối loạn kinh tế - xã hội, gây tác động khó lường.
Thường vụ hôm nay không chỉ ra loại bỏ quỹ nào, mà việc đó giao cho Chính phủ trên cơ sở đánh giá lộ trình, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gói lại phiên thảo luận.
Ông Hiển cũng nhắc lại thông điệp từ Chủ tịch Quốc hội là kiên quyết không thành lập quỹ mới. Tuy nhiên, một thời hạn cụ thể cho Chính phủ phải hoàn thành việc rà soát những quỹ hiện có đã không được đặt ra như đề xuất của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Và như vậy, hậu giám sát có thể vẫn là bài toán nhiều đáp án.