16:41 24/04/2013

Trọng tài kinh tế, tuổi 20 “chập chững”

Anh Minh

Trọng tài viên được công an giao thông “tha” kèm theo lời nhắn: “Khi nào có trận bóng hay, bác cho em xin… cặp vé!”

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không mấy mặn mà với việc xử lý tranh chấp thông qua trọng tài.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không mấy mặn mà với việc xử lý tranh chấp thông qua trọng tài.
Ông Nguyễn Gia Hảo, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và kinh doanh Hà Minh, một trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), kể rằng có lần lái xe bị công an giao thông giữ vì vi phạm, nhưng khi “khai” rằng mình đang làm việc cho Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì được anh công an “tha” ngay, nhưng kèm theo lời nhắn: “Khi nào có trận bóng hay, bác cho em xin… cặp vé!”. 

Tổng thư ký VIAC, ông Vũ Ánh Dương thì kể rằng khi gửi thư đến các cơ quan báo chí để mời tham gia các hoạt động của trung tâm, nhiều khi thư mời “bị” chuyển đến cho… ban thể thao, trong khi đích đến lẽ ra phải là ban kinh tế.

Những câu chuyện đại loại như vậy đã làm nóng bầu không khí của cuộc đối thoại giữa VIAC với các nhà báo kinh tế, một hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời của tổ chức này.

Nhưng phía sau những hài hước chính là một sự thật khó vui: ở tuổi 20, dường như VIAC vẫn chưa thật sự “nhập cuộc” với đời sống kinh tế đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong nhận thức của rất nhiều người, trọng tài là một khái niệm chỉ gắn liền với thể thao!

Phán quyết ít “thiêng”

Chủ tịch VIAC, ông Trần Hữu Huỳnh, thừa nhận rằng trong thời gian qua, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc xử lý tranh chấp thông qua trọng tài. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp “chê” trọng tài, chính là việc dường như phán quyết của trọng tài không đủ sức nặng như phán quyết của tòa án.
 
Việt Nam hiện nay là quốc gia có tỷ lệ hủy phán quyết trọng tài cao. Thời gian gần đây, việc một số doanh nghiệp đưa phán quyết trong tài ra xin hủy tại tòa án dường như đang lấy mất khá nhiều uy tín của hình thức xử lý tranh chấp bằng trọng tài, cũng như của chính các trọng tài viên tâm huyết.

Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, ông Phan Chí Hiếu cho biết trong nhiều trường hợp, phán quyết trọng tài đã bị tòa án hủy “oan” hoặc thiếu căn cứ thuyết phục. “Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi cảm thấy rất ấm ức vì mất uy tín”, ông Hiếu nói.

Ra đời từ năm 1993 trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài Hàng hải, VIAC từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế mới để giải quyết các tranh chấp kinh tế song song với tòa án, với những lợi điểm nhất định và quan trọng nhất là được sự thừa nhận của quốc tế.

Nhưng, cho dù ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC có đưa ra con số về sự tăng trưởng khá đều đặn về số vụ việc được xử lý thông qua VIAC, bản thân các trọng tài viên cũng thấy rằng những kết quả đạt được là khá nhỏ bé. Vào năm 2012, chỉ có 64 vụ việc tranh chấp được xử lý tại VIAC, một con số quá khiêm tốn so với mức hàng trăm vụ được xử lý tại các trung tâm tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực.

Không chỉ vậy, thống kê của VIAC cũng cho thấy chỉ có 29% số vụ việc là của doanh nghiệp trong nước, còn lại đến từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn thiếu tin tưởng vào hệ thống tòa án “nội”. “Tiềm năng” của thị trường đặc thù này là khá lớn trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng, số lượng doanh nghiệp được “khai sinh” và cả “khai tử” đều tăng, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bao giờ là “quốc gia thân thiện về trọng tài”?

Luật sư Đặng Xuân Hợp thuộc công ty Allens Arthur Robinson kể rằng trên đường từ sân bay về trung tâm thủ đô của Malaysia, khách quốc tế có thể dễ dàng nhìn thấy gần chục tấm biển quảng cáo tấm lớn chỉ dẫn địa điểm của các trung tâm trọng tài tại nước này. 

Ở quốc gia lân cận là Singapore, chính phủ xây hẳn một tòa nhà chỉ để phục vụ trung tâm trọng tài quốc tế của nước này, thường được biết đến với tên gọi là SIAC.

Chính phủ các nước này không nhìn vào trung tâm trọng tài như một cơ quan “trực thuộc” hay một đơn vị “công ích có thu”. Họ muốn nói với thế giới rằng họ ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, một cơ chế văn minh, linh hoạt hơn nhiều so với tòa án; và cơ chế này càng phát triển thì chứng tỏ đất nước đó càng minh bạch.

Từng tư vấn luật cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Hợp nói rằng đã qua rồi thời dùng những thế mạnh truyền thống như lao động rẻ hay giàu tài nguyên để thu hút đầu tư. “Ngoài những lợi thế đó, giờ đây các quốc gia cần chứng tỏ rằng ở đó công lý được tôn trọng, nhà đầu tư cần được bảo vệ. Nếu chi phí đầu tư thấp mà rủi ro pháp lý cao nhà đầu tư cũng sẽ không muốn vào”, ông Hợp nói.

Hiện tại, trên thế giới đang diễn ra một cuộc cạnh tranh ngầm để khẳng định mình là địa điểm hấp dẫn về giải quyết tranh chấp về trọng tài. Singapore hiện là quốc gia có số vụ tranh chấp rất lớn trong kinh tế nhưng họ rất tự hào vì cơ chế trọng tài đã tham gia sâu rộng trong việc giải quyết và điều đó nhận được sự ủng hộ của giới đầu tư quốc tế.

Tổng thư ký VIAC thừa nhận rằng thử thách lớn nhất của “nghề trọng tài” hiện nay tại Việt Nam chính là việc nhận thức về trọng tài trong chính các cơ quan nhà nước có liên quan đến trọng tài còn hạn chế. Bản thân các doanh nghiệp cũng hiểu biết không đầy đủ về trọng tài, và ngay cả khi hiểu biết đầy đủ, thì cũng không tin tưởng trọng tài “nội” mà lại có xu hướng chọn trọng tài “ngoại”.

Trong khi đó, từ phía các tòa án, việc thừa nhận giá trị của phán quyết trọng tài hiện không rõ ràng.

Một số tòa án địa phương như Hà Nội hiện đã có kinh nghiệm trong việc tiếp cận và thừa nhận các phán quyết trọng tài, nhưng ở một số địa phương lại coi đây là vấn đề “chưa được hướng dẫn”. Gần đây nhất, VnEconomy ghi nhận một trường hợp tại Lạng Sơn là tòa án đã từ chối công nhận phán quyết trọng tài chỉ vì… chưa có tiền lệ. 

Tuổi 20, VIAC dường như đang đứng trước một thử thách về mặt nghề nghiệp. 150 trọng tài, trong đó có 17 trọng tài nước ngoài của VIAC hiện là những chuyên gia hàng đầu về kinh tế và luật pháp của Việt Nam. Nhưng để “túi khôn” này thực sự là người bạn đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có lẽ vẫn cả một chặng đường dài phía trước.