09:12 24/01/2009

Rẻ và đắt

Trên thị trường, có rất nhiều cổ phiếu đang rẻ đi. Thế mà nhà đầu tư vẫn chưa trở lại thị trường, vẫn làm ngơ, đứng bên lề

Nhiều cổ phiếu rẻ những vẫn ế - Ảnh: LT.
Nhiều cổ phiếu rẻ những vẫn ế - Ảnh: LT.
Trên thị trường, có rất nhiều cổ phiếu đang rẻ đi. Thế mà nhà đầu tư vẫn chưa trở lại thị trường, vẫn làm ngơ, đứng bên lề.

Nhiều người nói chứng khoán đang rẻ, quá rẻ

Trên sàn giá cổ phiếu SSI đang giao dịch quanh mức 30.000 đồng/cổ phiếu, đúng bằng giá trị sổ sách. SSI, sau khi trích dự phòng giảm giá cho danh mục đầu tư, tổng tài sản còn hơn 4.000 tỉ đồng.

Là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên, sau tám năm trời “vật lộn” trên thị trường, nay với giá cổ phiếu như vậy, SSI đang quay trở về vạch xuất phát.

Nhà đầu tư mua cổ phiếu SSI bây giờ, đồng nghĩa với việc góp vốn gầy dựng công ty bằng mệnh giá từ đầu, trong khi SSI đã có thương hiệu, có thị phần môi giới lớn nhất.

Hay cổ phiếu SAM, đang được mua bán với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tính ra giá trị vốn hóa của doanh nghiệp chỉ nhỉnh hơn chút ít lượng tiền mặt 700 tỉ đồng mà công ty đang có. Trong khi đó, SAM có không ít nhà máy, cơ sở sản xuất, trụ sở ở TPHCM và Đồng Nai, trị giá hàng trăm tỉ đồng. Cứ tính theo giá cổ phiếu, giá trị tài sản nhà xưởng của SAM có lẽ bằng... zero.

Hoặc cổ phiếu Ngân hàng SaigonBank (Sài Gòn Công thương) đang giao dịch trên thị trường OTC quanh mệnh giá 10.000 đồng. Giá trị sổ sách của SaigonBank là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng này có tài sản là bất động sản nhiều nhất nhì trong khối ngân hàng ở TPHCM, trong đó có khách sạn Riverside nằm trên đường Tôn Đức Thắng cổ nhất Sài Gòn (cổ hơn cả khách sạn Continental). Khách sạn này được mua nhiều năm trước với giá 36 tỉ đồng, giờ chắc khấu hao gần hết.

 Nhìn vào khối tài sản, thì cổ phiếu SaigonBank thuộc loại chứng khoán rẻ nhất thị trường.

Trên thị trường, còn nhiều, rất nhiều những cổ phiếu rẻ khác...

Thế mà nhà đầu tư vẫn chưa trở lại thị trường, vẫn làm ngơ, đứng bên lề. Nhiều người đến sàn chứng khoán chỉ quan sát và quan sát. Các tổ chức vẫn chờ đợi.

Một số tổ chức nước ngoài phân tích cổ phiếu đã rẻ, nhưng chưa quá rẻ để mua vào. Một nhà đầu tư người Nga quyết định bán hết cổ phiếu ở Việt Nam mang tiền về nước, bảo “ở thị trường chúng tôi hiện nay, P/E các công ty niêm yết khổng lồ ngành năng lượng, khai khoáng chỉ còn 1-2 lần. Không đầu tư vào đó thì vào đâu?”.

Những nhà đầu tư bên lề có lý của họ. Mua cổ phiếu phải tính toán hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhìn thấy mức sinh lời của chứng khoán trong tương lai. Tiền mặt nhiều, giá trị tài sản lớn, nhưng chiến lược kinh doanh của công ty không tốt, thì tài sản không phát huy tác dụng, tiền mặt không sinh lời, thậm chí có thể mất đi.

Lúc đó giá cổ phiếu liệu có tăng? Và nếu tăng, tốc độ tăng có ngang bằng những cổ phiếu khác? Tăng trong bao lâu? Sự tăng đó, tốc độ tăng đó mới là thước đo để cân nhắc mua cổ phiếu hay không.

Thế mới có chuyện cổ phiếu giá rẻ vẫn ế! Nhưng không có nghĩa cổ phiếu đắt được tìm mua! Câu chuyện mua hay bán cổ phiếu bây giờ là thời điểm. Trong thị trường ảm đạm luôn có cơ hội. Cơ hội thể hiện ở chỗ khả năng xuống thêm nữa của VN-Index thấp hơn khả năng tăng lên.

Tuy nhiên, không ai đo được chính xác cái khả năng xuống thêm nữa ấy dài rộng thế nào và khi không đo được, họ đâm ra e ngại. Điều này làm cho “khẩu vị” thị trường thay đổi và khác đi.

Nhiều người tìm mua cổ phiếu “phòng vệ” như dược, thủy điện, đồ ăn thức uống... thay vì cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính - ngân hàng. “Khẩu vị” thị trường cũng làm thay đổi vị trí các chủ thể tham gia thị trường.

Bây giờ là thời của nhà đầu tư, những người có tiền mặt, họ là người ra điều kiện, chọn lựa điều kiện. Cổ phiếu phải thế nào họ mới mua, họ không mua lấy được như trước. Cái thời tổ chức phát hành ra điều kiện đã qua rồi.

Ấn định giá phát hành không phù hợp, cách thức phát hành không đúng là cổ phiếu bị nhà đầu tư “tẩy chay” liền. Có công ty không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, lại chào bán cho 100 cổ đông bên ngoài với giá bằng 60% giá bình quân 5 phiên giao dịch gần nhất. Nhà đầu tư phản đối bằng cách bán ra liên tục, giá cổ phiếu tụt dốc không phanh. Cuối cùng công ty phải hủy kế hoạch phát hành.

Cho nên sự đắt - rẻ của cổ phiếu trở thành áng chừng, mông lung. Trong bối cảnh đó nhà đầu tư đang cần những sản phẩm tài chính an toàn. Điều này chưa thấy công ty tài chính, chứng khoán nào để ý và tung ra thị trường.

Sự non trẻ của thị trường tài chính Việt Nam có lẽ nằm ở đây chăng?

Hải Lý (TBKTSG)