Sai phạm cổ phần hóa tại 3 dự án “đất vàng” gây thất thoát hơn 38 tỷ đồng
Tại nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM), cáo buộc thể hiện, ông Toàn và các đồng phạm không hạch toán bổ sung, không xác định tài sản là quyền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc này vi phạm quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP....

TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm cổ phần hóa tại Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV vào ngày 14/4/2025.
7 bị cáo gồm Nguyễn Thiện Toàn (cựu Tổng Giám đốc); Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh đều là cựu thành viên Hội đồng thành viên; Vũ Ngọc Tự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên); Trần Thị Hoa (cựu thành viên Hội đồng thành viên); Đặng Văn Tới (cựu Kế toán trưởng); Bành Thương Trí (cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Chè - TNHH MTV tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Chè Sài Gòn) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng vụ án, bị cáo Trần Hồng Điệp (cựu kiểm soát viên Tổng công ty Chè) bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, Tổng công ty Chè được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 11 cơ sở nhà đất. Quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, các bị cáo đã có hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước ở 3 khu đất là nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), khu đất 11.635 m2 đường Chè Hương, TP Hải Phòng, khu đất 1.500 m2 Trần Khát Chân, TP Hà Nội.
NHIỀU SAI PHẠM TẠI NHÀ ĐẤT 225 NAM KỲ KHỞI NGHĨA
Tại nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM), cáo buộc thể hiện, tháng 6/2006, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 2682 cho Công ty Chè Sài Gòn (trực thuộc Tổng công ty Chè) được tiếp tục sử dụng 446m2 đất, hình thức thuê đất, thời hạn sử dụng đến hết năm 2020.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trương TP HCM ký Hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Sài Gòn.
Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa sau cổ phần hóa vẫn là đất thuê trả tiền hàng năm, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; giao cho Công ty Chè cổ phần tiếp tục được thuê đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi đang thực hiện cổ phần hóa, ông Toàn, Khánh, Cầm ký Nghị quyết HĐQT thống nhất chuyển quyền sử dụng đất trong tương lai đối với nguồn tiền nộp cho ngân sách Nhà nước từ Công ty Chè Sài Gòn cho Công ty GB-TEA.
Cáo buộc thể hiện, ông Toàn ký giấy ủy quyền cho ông Bành Thương Trí, Giám đốc Công ty Chè Sài Gòn, Trưởng Tiểu ban cổ phần hóa Công ty Chè Sài Gòn ký hợp đồng vay 27,9 tỷ đồng của Công ty GB TEA để nộp tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần. Cùng với đó, cam kết chuyển quyền sử dụng đất thuê cho Công ty GB TEA.
Ngày 8/12/2015, ông Toàn, Cầm và Khánh đã ký ban hành các Nghị quyết HĐQT vốn bằng quyền sử dụng đất tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cấn trừ số tiền 27,9 tỷ đồng đã vay của Công ty GB TEA.
Đồng thời, ông Toàn ký các hợp đồng, văn bản cho phép Công ty GB-TEA đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tổng Công ty Chè Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tháng 9/2005, công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Theo đó, Công ty mẹ gồm có cơ quan tổng công ty và các đơn vị trực thuộc - hạch toán phụ thuộc; Công ty con là công ty mà Tổng công ty có trên 50% vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ký hợp đồng thuê đất và Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty GB TEA. Toàn bộ việc làm trên được thực hiện trong thời điểm cổ phần hóa.
Cáo buộc thể hiện, ông Toàn và các đồng phạm không hạch toán bổ sung, không xác định tài sản là quyền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc này vi phạm quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Còn ông Trần Hồng Điệp, Kiểm soát viên không kiểm tra tính hợp pháp, trung thực Nghị quyết của Hội đồng thành viên và quyết định của Tổng Giám đốc trong cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; không thẩm định báo cáo tài chính. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 16 tỷ đồng.
SAI PHẠM TẠI DỰ ÁN “ĐẤT VÀNG” Ở HÀ NỘI
Tại khu đất 1.500 m2 Trần Khát Chân, Hà Nội, cáo buộc thể hiện, Tổng công ty Chè (khi đó là Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Chè) liên doanh với Công ty Mulpa Haute Counture SDN.BHD của Malaysia để thành lập và kinh doanh khách sạn Hotel Indochine Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là hơn 10,1 triệu USD. Công ty Chè góp 1,4 triệu USD bằn quyền sử dụng đất, tương dương 30% vốn pháp định.
Cáo buộc thể hiện, ông Toàn đã ký nghị quyết số 368/CVN-HĐTV ngày 17/8/2011 chuyển nhượng quyền đầu tư xây dựng khách sạn Hotel Indochine Hà Nội với giá tối thiểu là 8,5 tỷ đồng và Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp là quyền sử dụng đất thuê 30 năm, diện tích 1.500 m2 cho Công ty Sông Châu với số tiền 10 tỷ đồng không qua đấu giá. Hành vi trên gây thiệt hại cho Nhà nước 21,5 tỷ đồng.
Tương tự, tại khu đất 11.635 m2 đường Chè Hương, TP Hải Phòng, ông Toàn đã ký Nghị quyết 386/CVN-HĐQT/NQ ngày 07/8/2009 sử dụng lợi thế đất đai để góp vốn thành lập công ty cổ phần, sau đó thoái vốn góp tại các công ty này.
Cụ thể, ông Toàn đã ký Biên bản thỏa thuận thành lập Công ty Nam Cường, trong đó Tổng công ty Chè góp 20,5 tỷ đồng bằng quyền thuê 11.635 m2 đất và tài sản trên đất; Nghị quyết số 264 ngày 20/6/2011 thoái vốn góp của Tổng công ty Chè tại Công ty Nam Cường; Quyết định 126/QĐ-CVN-KTTC ngày 21/6/2011 chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp trên cho cho các cá nhân với số tiền 20,5 tỷ đồng không qua đấu giá. Hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 711 triệu đồng.
Viện kiểm sát cáo buộc hành vi của ông Toàn gây thiệt hại tổng cộng hơn 38,3 tỷ đồng. Ông Toàn khai nhận hành vi phạm tội và tự nguyện nộp 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả.