12:49 02/12/2022

Sai phạm cổ phần hóa tại Cienco1, Nhà nước thiệt hại hơn 230 tỷ đồng

Đỗ Mến

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận và đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty cổ phần (viết tắt là Cienco 1).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Cấn Hồng Lai (SN 1955, cựu Tổng giám đốc); Phạm Dũng (SN 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên); Nguyễn Ngọc Tuyển - cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C (nay là Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO)…

XÓA NỢ TRÁI QUY ĐỊNH, NHÀ NƯỚC THIỆT HẠI GẦN 185 TỶ ĐỒNG

Theo kết luận điều tra, Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, do ông Phạm Dũng là Trưởng ban, Cấn Hồng Lai là Phó trưởng ban Thường trực.

Tháng 6/2014, Cienco 1 cổ phần hóa thành công với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, gồm 35% của Nhà nước. Đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ số 35% vốn này.

Quá trình cổ phần hóa, cơ quan điều tra xác định, các bị can xảy ra sai phạm trong đó có hành vi xử lý xóa nợ trái quy định, để ngoài giá trị doanh nghiệp khoản nợ phải hơn gần 185 tỷ đồng và không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất.

Theo kết luận, ngày 17/6/2013, ông Lai chủ trì cuộc họp để xem xét xử lý các khoản nợ phải thu của 50 công ty với tổng số tiền hơn 364 tỷ đồng và thống nhất xóa nợ đối với các khoản nợ phải thu trên 3 năm không có khả năng thu hồi trị giá gần 185 tỷ đồng.

Trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 12 ngày, ông Lai ký tờ trình không số gửi Hội đồng thành viên Cienco 1 nêu rõ “các khoản nợ trên sẽ hạch toán tại tài khoản ngoại bảng (nợ khó đòi đã xử lý) Tổng công ty tiếp tục theo dõi và thu hồi khi có điều kiện”.

Đến ngày 20/6/2013, ông Phạm Dũng đã ký quyết định về việc xử lý các khoản nợ khó đòi.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Điều 5 và Điều 9 Thông tư 202/2011/TT-BTC; Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC thì các khoản nợ phải thu có đủ điều kiện để xử lý xóa nợ khi các công ty nợ tiền đã bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Sau khi xử lý các khoản nợ phải thu có đủ điều kiện xóa nợ và có văn bản công bố giá trị doanh nghiệp, Cienco1 phải bàn giao các khoản nợ này cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam - DATC.

Kết quả điều tra xác định, tại thời điểm 20/6/2013, trong 50 công ty có nợ phải thu chỉ có 3 công ty đủ điều kiện xóa nợ trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. 47 công ty còn lại không đủ điều kiện xóa nợ hơn 183 tỷ đồng. Cienco1 đã hạch toán giảm các khoản nợ trên số dư phải thu tại BCTC năm 2013.

Theo biên bản xác định giá trị doanh nghiệp, tại thời điểm 30/6/2013, giá trị thực tế của Cienco1 là hơn 3.136 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 478 tỷ đồng. Như vậy, Cienco1 không có các khoản nợ phải thu gần 185 tỷ đồng. Cho đến nay, Ciecon không bàn giao khoản nợ này cho DATC, không báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Đến khi chuyển thành công ty cổ phần, Cienco1 đã tiến hành thu hồi nợ với 6 công ty. Đến nay, Cienco1 đã thu hồi hơn 65,2 tỷ đồng và sử dụng chi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty không bàn giao, chuyển khoản tiền này cho nhà nước theo quy định. Cơ quan điều tra xác định nhà nước bị thiệt hại gần 185 tỷ đồng.

Ông Cấn Hồng Lai khai nhận, động cơ của việc làm trên là để “làm đẹp” sổ sách kế toán, thuận tiện cho việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa.

XỬ LÝ THẾ NÀO VỚI 4 KHU ĐẤT KHÔNG TÍNH VÀO GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP?

Kết luận điều tra còn thể hiện, các bị can đã không tính giá trị 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa gồm khu đất 422m2 ở quận Bình Thạnh – TPHCM; khu đất 916,4m2 tại TP Tân An, tỉnh Long An; khu đất 16.706m2 tại huyện Châu Thành, Tiền Giang; khu đất 852m2 ở TP Pleiku, Gia Lai.

Theo quy định, khi cổ phần hóa, Cienco1 phải lập phương án sử dụng đất xác định rõ về diện tích, loại đất, mục đích sử dụng đất khi chuyển sang công ty cổ phần và giá trị quyền sử dụng đất theo giá trị thị trường để UBND các tỉnh, thành phố cho ý kiến.

Tuy nhiên, các bị can làm trái quy định, không ký hợp đồng thuê đất, không làm thủ tục chuyển sang thuê đất gửi Bộ Giao thông Vận Tải là cơ quan quyết định cổ phần hóa và UBND các tỉnh có đất là cơ quan quản lý nhà nước. Các bị can chỉ làm thủ tục bàn giao nguyên trạng 4 khu đất trên cho Cienco1- CTCP.

Đến tháng 1/2015, nhà nước thoái hết vốn nhưng không xác định lại giá trị 4 khu đất trên. Đến nay, khu đất tại tỉnh Gia Lai và Tiền Giang đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 54,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Lai khai nhận, việc Cienco1 sử dụng giá tạm tính 4 khu đất trên là theo sự tư vấn của Công ty Kiểm toán A&C...

Lời khai của ông Phạm Dũng cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan tư vấn đã tham mưu không đúng cho Cienco1. Nhưng theo kết luận, ông Dũng tuy không nhận được chỉ đạo, không hưởng lợi và áp lực gì nhưng cũng có một phần trách nhiệm vì đã đồng ý theo nội dung đề nghị của công ty kiểm toán.

Theo cơ quan điều tra, đối với việc quản lý, sử dụng 4 khu đất có nguồn gốc của Cienco1 trong giai đoạn cổ phần hóa có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, Long An và TPHCM. Cơ quan điều tra tách 4 vụ việc trên, chuyển cho cơ quan điều tra Công an 4 tỉnh, thành phố trên để điều tra và xử lý theo thẩm quyền. 

 

Bộ Công an cũng kiến nghị Cienco1- CTCP nộp trả cho nhà nước số tiền mà Cienco1 đã thu hồi từ nguồn nợ khó đòi.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Cienco1-CTCP và các cơ quan chức năng tiếp tục thu hồi các khoản nợ còn lại.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, Long An, TPHCM và Cienco1- CTCP phối hợp với các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết việc quản lý, sử dụng 4 khu đất nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật.