Saudi Arabia và phương Tây căng thẳng vụ “nhà báo biến mất”
Ông Trump đã cảnh báo về “sự trừng phạt nghiêm khắc” nếu đúng là nhà báo Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia
Saudi Arabia ngày 14/11 đưa ra lời cảnh báo nhằm phản bác lại sự đe dọa trừng phạt từ Mỹ và châu Âu đối với nước này liên quan đến vụ biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi.
Theo hãng tin Reuters, ông Khashoggi là một công dân Saudi Arabia nhưng cư trú ở Mỹ và là một nhà báo chuyên mục của tờ Washington Post. Ông đã có nhiều bài viết chỉ trích các chính sách của Riyadh.
Ông Khashoggi bất ngờ biến mất vào ngày 2/10 vừa qua, sau khi đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà báo đã bị sát hại và thi thể của ông đã bị chuyển đến một nơi khác. Saudi Arbia phủ nhận cáo buộc này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo về "sự trừng phạt nghiêm khắc" nếu đúng là ông Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia. Tuy nhiên, ông Trump cũng nói rằng sẽ là Washington tự trừng phạt chính mình nếu dừng bán vũ khí cho Riyadh.
"Saudi Arabia khẳng định sự phủ nhận hoàn toàn đối với tất cả mọi lời đe dọa hay những nỗ lực nhằm làm suy yếu Saudi Arabia, cho dù đó là đe dọa áp lệnh trừng phạt kinh tế, sử dụng sức ép chính trị, hay lặp lại những cáo buộc sai trái", hãng thông tấn Saudi Press Agency (SPA) của Saudi Arabia dẫn lời một quan chức nước này nói.
"Saudi Arabia cũng khẳng định nếu nhận được bất kỳ hành động nào, Saudi Arabia sẽ đáp trả bằng hành động mạnh mẽ hơn, và khẳng định nền kinh tế của vương quóc có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu", vị quan chức cảnh báo, nhưng không nói cụ thể hơn.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhà vua Salman bin Abdulaziz al Saud của Saudi Arabia có thể tìm giải pháp ngoại giao cho vụ việc, nhà vua đã nhấn mạnh về sức mạnh của mối quan hệ Saudi Arabia-Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogann - SPA đưa tin hôm Chủ nhật.
Trong cuộc điện đàm, nhà vua đã cảm ơn ông Erdogan vì hoan nghênh một đề xuất của Saudi Arabia về thành lập một nhóm công tác chung để thảo luận về vụ biến mất của nhà báo Khashoggi, đồng thời khẳng định không điều gì có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước.
Anh, Pháp và Đức ngày Chủ nhật ra một tuyên bố chung nói rằng ba nước đang xem xét vụ nhà báo Khasoggi biến mất với "sự nghiêm túc cao nhất". "Cần có một cuộc điều tra đáng tin cậy để tìm ra sự thật và xác định đúng những người đứng sau sự biến mất của Jamal Khashoggi, đồng thời đảm bảo rằng những người đó phải chịu trách nhiệm vì hành vi đó".
Các nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi có hành động đối với Saudi Arabia vì vụ việc này, từ tẩy chay một hội nghị đầu tư sắp diễn ra ở Riyadh cho tới dừng hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Saudi Arabia ở Yemen.
Thị trường chứng khoán Saudi Arabia có lúc giảm 7% trong phiên giao dịch ngày Chủ nhật, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nước này có thể chịu ảnh hưởng kinh tế từ vụ nhà báo biến mất. Chốt phiên, thị trường giảm 3,5%, tương đương sụt giảm vốn hóa 16,5 tỷ USD.
Trong một bài báo chuyên mục được đăng ngay sau tuyên bố trên SAP, Tổng giám đốc Turki Aldakhil của kênh truyền hình quốc gia Al Arbiya của Saudi Arabia cảnh báo rằng nếu quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới bị trừng phạt, thì điều đó sẽ dẫn tới thảm họa kinh tế toàn cầu.
Khi đó, "Saudi Arabia sẽ không thể giữ cam kết sản xuất ít nhất 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu như mức giá dầu 80 USD/thùng đã khiến Tổng thống Trump nổi giận, thì không ai có thể đảm bảo giá dầu không nhảy lên 100 USD/thùng, 200 USD/thùng, thậm chí là gấp đôi con số đó", ông Aldakhil viết.
Giới đầu tư đang lo ngại rằng vụ nhà báo biến mất có thể làm gia tăng cảm giác chính sách của Saudi Arabia ngày càng khó lường dưới thời thái tử Mohammed bin Salman. Từ khi được trao cương vị thái tử, ông Mohammed có ảnh hưởng rất lớn ở Saudi Arabia, thúc đẩy nhiều cải cách kinh tế và xã hội, nhưng cũng có mối quan hệ căng thẳng với nhiều quốc gia.
Vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò then chốt trong các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm của Saudi Arabia. Tuy nhiên, phản ứng sau vụ nhà báo biến mất, nhiều tổ chức truyền thông và sếp doanh nghiệp đã quyết định không tham dự hội nghị đầu tư dự kiến diễn ra ở Riyadh vào tuần tới. Trong số này có Chủ tịch hãng xe Mỹ Ford, ông Bill Ford.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có kế hoạch tham dự hội nghị trên, nhưng kế hoạch có thể thay đổi - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow - cho hay.