07:15 04/12/2020

SCB dự định phát hành 500 triệu cổ phần để tăng vốn

nguyên minh

Ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm 5.000 tỷ trong năm 2020-2021 trong cuộc họp bất thường tới

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa có thông báo họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 vào ngày 7/12 tới.

Tại đại hội lần này, SCB sẽ trình chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB lên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM. 

Cụ thể, SCB sẽ trình chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023, trong đó, riêng năm 2020-2021 tăng 5.000 tỷ và thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên HoSE, mục tiêu chậm nhất năm 2025 chính thức niêm yết cổ phiếu SCB. 

Ngân hàng cho biết việc tăng vốn sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của ngân hàng, nâng cao vốn tự có, dáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo Thông tư 22 và lộ trình đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. 

Việc tăng vốn 5.000 tỷ dự kiến thông qua việc chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tương đương 32,92% tổng số cổ phần đang lưu hành và không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu thành công, vốn điều lệ SCB sẽ tăng từ 15.231 tỷ lên 20.231 tỷ đồng. Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Được biết, giá trị sổ sách mỗi cổ phần của SCB theo báo cáo tài chính đã kiểm toán tại ngày 31/12/2019 là 10.853 đồng/cổ phần. 

5.000 tỷ thu được từ đợt chào bán dự kiến sẽ dùng 4.000 tỷ để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, 500 tỷ đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin, 500 tỷ đùng đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB. 

Đợt phát hành này dự kiến thực hiện và hoàn tất trong năm 2020-2021. Cổ phiếu chào bán sẽ được đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM theo quy định. 

Bên cạnh nội dung sửa đổi điều lệ, ngân hàng này còn trình cổ đông phê duyệt chủ trương đối với giao dịch nhận tài sản để thay thế/cấn trừ nghĩa vụ trả nợ có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ. 

Trước đó, tại báo cáo tài chính quý 3 của SCB cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản SCB đạt 612.698 tỷ đồng, là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh. Về huy động vốn, tính đến cuối kỳ tiền gửi của khách hàng đạt 447,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,4% đạt 351.989 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 2.835 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ 2019. Các hoạt động mua bán chứng khoán và hoạt động khác đều có lợi nhuận sụt giảm, trong đó lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh, chỉ đạt 22,6 tỷ đồng trong kỳ, SCB cho biết nguyên nhân giảm chủ yếu do năm 2019 ghi nhận thu nhập từ hoạt động bán nợ/bán tài sản trả chậm.

Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 1.963 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 113,5 tỷ, giảm 55%.