10:18 17/04/2012

SHN xoay tiền đâu trả nợ?

Khánh Hà - Minh Thư

Báo cáo kiểm toán 2011 của SHN có thể xem là tiếng còi cảnh báo cho tình trạng đầu cơ mạo hiểm trên thị trường

Cổ phiếu SHN vẫn được đầu cơ mạnh hai tuần qua.
Cổ phiếu SHN vẫn được đầu cơ mạnh hai tuần qua.
Báo cáo kiểm toán 2011 vừa công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã: SHN - HNX) có thể xem là tiếng còi cảnh báo cho tình trạng đầu cơ mạo hiểm đang diễn ra phổ biến trên thị trường.

Mất cân đối khả năng chi trả

Ý kiến kiểm toán đối với SHN tuy không đặt ra trực tiếp khả năng vỡ nợ của công ty, nhưng dựa trên giả định khó có khả năng thực hiện: tính đến 31/12/2011, tổng nợ ngắn hạn của SHN là 358,99 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 355,23 tỷ đồng. “Với tình hình tài chính như trên, khả năng tiếp tục hoạt động của công ty phụ thuộc phần lớn vào khả năng thu hồi nợ liên quan đến Công ty Cổ phần Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân cũng như khả năng thu xếp thanh toán các khoản nợ ngắn hạn”.

Về mặt con số, khoản nợ ngắn hạn tương đương với tổng tài sản ngắn hạn của SHN. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chính cơ cấu tổng tài sản ngắn hạn với quá nhiều yếu tố phụ thuộc và không thể dự đoán được.

Cụ thể, khoản tiền mặt (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) hiện có - phần tài sản có khả năng sử dụng ngay lập tức - chỉ là 1,15 tỷ đồng. Các khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao khác bao gồm cổ phiếu đầu tư cũng chỉ là gần 4,1 tỷ đồng được ghi nhận theo giá gốc. Đây là khoản có thể thanh lý ngay để thu về tiền mặt. Tuy nhiên, những khoản đầu tư cổ phiếu ngắn hạn lớn nhất trong danh mục này cũng có thể thu về quá ít tiền. Chẳng hạn 249.700 cổ phiếu SD1 có giá trị ghi sổ lớn nhất là 2,87 tỷ đồng, tương đương giá mua gần 11.500 đồng/cổ phiếu. Hiện SD1 chỉ còn 6.700 đồng/cổ phiếu.

SHN cũng có khoản đầu tư dài hạn 210,66 tỷ đồng ghi nhận theo giá gốc. Trong đó có 38,5 tỷ đồng đầu tư dài hạn cổ phiếu chưa niêm yết. Khoản đầu tư này khá mờ ảo vì không thể xác nhận được giá trị thực tế của các cổ phiếu. Thậm chí đơn vị kiểm toán còn để ngỏ khả năng phải trích lập dự phòng giảm giá. Khoản đầu tư dài hạn vào một số dự án bất động sản và hợp tác đầu tư trị giá 172,16 tỷ đồng cũng có thể được chuyển nhượng để thu về tiền mặt, nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào tính thanh khoản của thị trường bất động sản.

Yếu tố giả định khó khả thi

Phần tài sản ngắn hạn đáng kể nhất của SHN chính là khoản cho công ty Beta BQP vay 238 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ là khoản vay theo hợp đồng vay vốn và 38 tỷ là khoản vay theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Nếu đòi được khoản tiền nói trên cộng với lãi vay và khoản phạt vi phạm hợp đồng, dòng tiền của SHN sẽ có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên cái khó của SHN chính là giả định này rất khó thành hiện thực.

Theo SHN thì số nợ gốc và lãi liên quan đến khoản vay trên được chuyển sang cá nhân ông Nguyễn Anh Quân – Tổng giám đốc công ty Beta BQP. Khoản vay này được đảm bảo bằng Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Bất động sản Âu Lạc có giá trị tương tương 335 tỷ đồng, chiếm 90% vốn điều lệ và giá trị chuyển nhượng sẽ được bù trừ với số nợ còn phải thu của ông Nguyễn Anh Quân.

Vấn đề là ông Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn và có lệnh truy nã. Điều này cũng có nghĩa là việc thực hiện thỏa thuận bị đình lại chưa biết đến lúc nào mới thực hiện được. Khả năng SHN thu hồi được khoản đầu tư này là rất thấp. Ngay cả việc khiếu kiện thành công, thì việc thực thi cũng phải mất một khoảng thời gian không ngắn.

Liên quan đến khoản cho vay ngắn hạn 238 tỷ đồng, có hai dạng tài sản mà SHN có thể sử dụng được trong trường hợp thỏa thuận được thực hiện. Thứ nhất là tài sản đảm bảo cho công nợ là số cổ phần tương đương 90% vốn của Công ty Bất động sản Âu Lạc. Số cổ phần này có thể có giá trị cầm cố nhất định để huy động tiền mặt. Tuy nhiên vấn đề là giá trị thực tế của số tài sản trên là bao nhiêu, khả năng cầm cố để vay vốn đến đâu. Chính đơn vị kiểm toán cũng thừa nhận không có cơ sở  để định giá giá trị của các cổ phần này nên không thể đánh giá được khả năng thu hồi nợ cũng như mức trích lập dự phòng 30% số tài sản cho vay khó đòi của SHN.

Thứ hai là quyền hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án thứ phát tại khu đô thị mới Thanh Hà A-Cienco 5. Hiện khả năng tiếp cận dự án nói trên vẫn chưa rõ ràng.
 
Theo thông tin được biết, SHN đã gửi đơn “cầu cứu” lên Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ quản của “con nợ” Beta BQP. Tuy vậy, sau hơn một tháng gửi đơn, hiện nay vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Dòng tiền quá yếu

Ngày 29/3, SHN chính thức công bố báo cáo quý 4/2011 với khoản lỗ lên tới 70 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu giảm từ 363,2 tỷ đồng xuống còn 276,7 tỷ đồng. Sự việc nghiêm trọng hơn khi báo cáo hợp nhất đã kiểm toán của SHN ghi nhận khoản lỗ không dừng lại ở con số 70 tỷ, mà là 146 tỷ, và vốn chủ sở hữu còn lại 199 tỷ.

Xem xét các khoản nợ của SHN, chủ nợ lớn nhất hiện nay của SHN là các cá nhân liên quan đến dự án CT1 - tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ The Pride thuộc khu đô thị An Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Các khoản vay cá nhân này là 93,67 tỷ. Ngoài ra SHN còn vay các cá nhân khác khiến tổng vay nợ ngắn hạn với cá nhân lên tới 179,25 tỷ, chiếm trên 70% giá trị toàn bộ khoản vay ngắn hạn của SHN.

Một số chủ nợ khác có khoản cho vay lớn là khoản vay gần 37 tỷ đối với Liên Việt Holdings được SHN thế chấp  bằng các căn hộ mà SHN được quyền bán thuộc dự án CT1. Như vậy, các khoản bảo đảm các món vay của SHN đều là bất động sản. Chính vì thế, khả năng thanh toán của SHN bị hạn chế rất nhiều khi mà bất động sản giờ không dễ bán, chứ chưa nói đến việc bán được giá. SHN cũng nợ Eximbank chi nhánh Long Biên 29,15 tỷ đồng.

Doanh thu của SHN chủ yếu đến từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Quý 4, doanh số giảm sút nghiêm trọng so với các quý trước. Cụ thể, trong khi quý 1-2/2011, doanh thu SHN đạt trên 80 tỷ, nhưng đến quý 3, con số còn gần 3 tỷ, và dừng lại 1,4 tỷ ở quý 4. Bất động sản chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu doanh thu của SHN. Trong thời gian tới, khi thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, thì doanh thu đến từ giao dịch bất động sản vẫn rất khiêm tốn.

Năm 2010, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, nhưng năm 2011, mặc dù kết quả kinh doanh bi đát hơn nhiều, dòng tiền vẫn đạt 139 tỷ. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, “thành tích” nổi bật này chủ yếu dựa vào khoản phải thu khổng lồ của năm 2010, chứ không phải doanh thu thực hiện ấn tượng. Với tỷ trọng bất động sản khó cải thiện, dự đoán dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của SHN trong tương lai gần sẽ không có nhiều điểm sáng.