06:00 22/07/2024

Sơn La đã dập tắt dịch tả lợn châu Phi

Chu Khôi

Trong chuyến công tác, khảo sát tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa qua, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của những người nông dân chăn nuôi lợn đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi, xuất chuồng được giá cho lãi cao, không còn thua lỗ như những năm trước...

Ông Lường Văn Xứng (xã Huy Thượng, huyện Phù Yên) chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Ông Lường Văn Xứng (xã Huy Thượng, huyện Phù Yên) chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Sơn La, trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 4 ổ dịch tả lợn châu Phi. Nhờ thực hiện giải pháp tiêm vaccine bao vây các ổ dịch, đến nay dịch trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được dập tắt.

XÃ CHIỀNG SƠN KHỐNG CHẾ DỊCH

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Mạnh Đạt, ở tiểu khu 34, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu. Anh Đạt cho hay vào tháng 5/2024, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã. Thời điểm đó, nhà anh Đạt có 50 con lợn nuôi thịt và 1 con lợn nái, chưa bị dịch bệnh.

“Ủy ban Nhân dân tuyên truyền phun thuốc khử trùng chuồng trại và vận động tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Gia đình đã mua vaccine AVAC Asf Live, tiêm cho 50 con lợn thịt. Riêng lợn nái đang chửa nên không tiêm. Tất cả lợn sau khi tiêm phòng đến nay đã gần 2 tháng, vẫn khỏe mạnh bình thường. Riêng lợn nái do không được tiêm vaccine nên sau đó đã nhiễm dịch, ốm chết, được chính quyền tiêu hủy và hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg”, anh Đạt chia sẻ.

 

"Thống kê vào cuối tháng 5/2024, tổng đàn lợn toàn xã có 3.333 con của 403 hộ chăn nuôi; 12/17 bản trong xã có dịch tả lợn châu Phi, đã tiêu hủy lợn bệnh tại 96 hộ với tổng số 506 con lợn".

Ông Ngô Văn Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Sơn.

Theo anh Đạt, trong số lợn đã tiêm phòng, đến nay đã xuất bán 18 con, thu gần 120 triệu đồng, lợi nhuận 36 triệu đồng. “Tôi còn 32 đầu lợn dự tính hơn tháng nữa sẽ xuất bán. Nếu đến thời điểm đó không bị bệnh, 50 con lợn xuất bán trót lọt sẽ có lợi nhuận 100 triệu đồng. Từ sau khi tiêm vaccine, lợn của gia đình tôi và của bà con trong xóm đều không còn bị dịch tả lợn châu Phi nữa, vì vậy nhà nào cũng hưởng ứng tiêm vaccine cho lợn”, anh Đạt cho biết.

Ông Ngô Văn Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Sơn, thông tin: vào ngày 19/5/2024, phát hiện lợn ốm tại hộ gia đình ông Vũ Ngọc Hùng ở tiểu khu 4, Ủy ban Nhân dân xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kinh tế nông nghiệp huyện Mộc Châu, kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, dịch lan rất nhanh ra nhiều nhà.

“Xã đã sử dụng 100 kg hóa chất phun khử trùng toàn bộ chuồng trại trong xã. Chúng tôi vận động người dân tự chi tiền mua vaccine tiêm bao vây ổ dịch. Đến nay, người dân xã Chiềng Sơn đã tiêm 1.170 liều vaccine AVAC Asf Live cho lợn. Nhờ những giải pháp quyết liệt, đến thời điểm này toàn xã đã hết dịch, tất cả lợn được tiêm phòng đều khỏe mạnh”, ông Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn (người đứng giữa) dẫn đầu đoàn Chi cục Thú y tỉnh Sơn La đi kiểm tra phòng chống dịch tại chuồng lợn nhà anh Nguyễn Mạnh Đạt
Ông Nguyễn Ngọc Toàn (người đứng giữa) dẫn đầu đoàn Chi cục Thú y tỉnh Sơn La đi kiểm tra phòng chống dịch tại chuồng lợn nhà anh Nguyễn Mạnh Đạt

Tại huyện Phù Yên, vào đầu năm 2024 đã xảy ra 3 ổ dịch tả lợn châu Phi. Huyện đã hỗ trợ mua 700 liều vaccine AVAC Asf Live để tiêm bao vây các ổ dịch. Đến nay, cả 3 xã đều đã hết dịch. Theo ông Đinh Văn Duân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huy Tân, trên địa bàn xã năm nào cũng xảy ra dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy hàng trăm tấn lợn thịt, thiệt hại rất nặng nề. Tháng 1/2024, xảy ra một ổ dịch, xã được cấp phát một đợt vaccine AVAC Asf Live, tiêm cho lợn từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2024, đến nay tất cả các đàn lợn đảm bảo an toàn.

KINH NGHIỆM CHỐNG DỊCH TẠI HUYỆN PHÙ YÊN

“Hiện bà con đang bắt đầu mua lợn để khôi phục chăn nuôi trở lại. Riêng trang trại của gia đình tôi trước đây có 37 con lợn nái, thế nhưng năm 2022-2023 dính dịch tả lợn châu Phi bị vét hết sạch. Nay có vaccine tiêm phòng, không còn lo lợn ốm chết, tiêu hủy nữa. Hiện nhà còn 2 lợn nái. Tới đây, tôi sẽ tăng đàn nái để khôi phục lại đàn lợn như trước đây”, ông Duân cho biết.

Tiêm dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La
Tiêm dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Đến bản Ban, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, chúng tôi ghé thăm chuồng lợn của gia đình ông Lường Văn Xứng. Ông Xứng kể năm 2022-2023, lợn của gia đình bị 4 lần dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình chi gần 3 triệu đồng mua vaccine AVAC Asf Live, kết quả lợn không còn mắc bệnh nữa. Từ đầu năm đến nay gia đình đã xuất chuồng gần 30 con lợn, bán được 125 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

Chăn nuôi lợn bản địa không cần sử dụng thức ăn công nghiệp, nhà có vườn tự trồng ngô làm thức ăn cho lợn, nên hạ được giá thành. Hiện trong chuồng nhà ông Xứng còn 25 con lợn thịt sẽ xuất bán vào tháng tới và 3 lợn nái đang mang thai chờ đẻ để có lứa lợn nuôi trong nửa cuối năm 2024.

Theo ông Xứng, hiện chưa có quy định nuôi lợn bắt buộc phải tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, nhưng chính quyền và dân bản đã họp, thống nhất là hộ nào không tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi nếu bị dịch phải tiêu hủy lợn, Nhà nước sẽ không hỗ trợ tiền. “Hộ nào tiêm vaccine, nếu lợn mắc bệnh phải tiêu hủy thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền. Khi xảy ra dịch, hộ nào chưa tiêm vaccine thì sẽ không cho bán lợn bệnh ra thị trường; nhà nào đã tiêm vaccine, lợn khỏe mạnh thì sẽ được xuất bán bình thường. Từ khi có thỏa ước này, tất cả các hộ dân trong bản đều sẵn sàng mua vaccine để tiêm cho lợn”, ông Xứng khẳng định...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024, phát hành ngày 22/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây;

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sơn La đã dập tắt dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1