12:31 24/08/2022

Sơn La mong mỏi xây cầu qua Sông Đà thay phà để sớm xoá nghèo, Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Ánh Tuyết

Tỉnh Sơn La nhiều lần kiến nghị xây cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên nhưng dự án vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải chấp nhận do tổng mức đầu tư lớn trong khi lưu thông trên tuyến rất thấp...

Sơn La nhiều lần kiến nghị xây cầu bắc qua Sông Đà thay cho bến phà Vạn Yên nhưng chưa được chấp thuận vì nhiều lý do.
Sơn La nhiều lần kiến nghị xây cầu bắc qua Sông Đà thay cho bến phà Vạn Yên nhưng chưa được chấp thuận vì nhiều lý do.

Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nằm trên Quốc lộ 43 tại Km27.

Đây là vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần và được Bộ Giao thông vận tải trả lời sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV. Tuy nhiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy, các xã vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã di dân, tái định cư hơn 30 năm nhưng đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao tại 10 xã của huyện Phù Yên như xã Bắc Phong có tỷ lệ hộ nghèo 43,9%; cận nghèo 33,82%; xã Đá Đỏ hộ nghèo 18,3%; cận nghèo 22,8%; xã Tân Phong có số hộ nghèo 30,1%; cận nghèo 11,2%...

Vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng công trình cầu vừa thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội khu vực các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La, vừa giúp cho các xã vùng lòng hồ sông Đà có cơ hội, điều kiện phát triển tốt hơn, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Phản hồi kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, lưu thông trên Quốc lộ 43 đoạn vượt sông Đà vẫn đang phải sử dụng phà tại bến phà Vạn Yên. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đà tại đây là cần thiết để tăng cường lưu thông trên tuyến, giảm thời gian qua phà.

 

"Tuy nhiên, vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước lên xuống không ổn định, tổng mức đầu tư xây dựng công trình lớn, dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi lưu lượng lưu thông trên tuyến hiện tại còn thấp, nhỏ hơn 200 xe ô tô/ngày đêm", Bộ Giao thông vận tải phân tích.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư công trình cầu qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên trên Quốc lộ 43 để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực khi cân đối được nguồn lực.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, do nguồn lực khó khăn nên Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi bắt buộc, một số dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm. 

Do đó, chưa thể bố trí vốn đầu tư cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên.

"Trước mắt, việc kết nối giao thông giữa các huyện trong khu vực phà Vạn Yên tỉnh Sơn La với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái vẫn sử dụng Quốc lộ 37 đi qua cầu Tạ Khoa vượt sông Đà, tuyến song song với Quốc lộ 43”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Mặc dù trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bổ sung đầu tư xây dựng tuyến tránh thành phố Sơn La (Km289+950 - Km308+820 Quốc lộ 6) sử dụng nguồn vốn dư của dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) với tổng kinh phí là 567 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương còn hỗ trợ tỉnh Sơn La 1.800 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La đoạn trên địa bàn tỉnh Sơn La (Km53-Km84) với quy mô đường cao tốc 2 làn xe.