08:30 20/02/2021

S&P 500 và Nasdaq cùng mất điểm tuần này vì cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh

Bình Minh

Nhà đầu tư tiếp tục bán ra những cổ phiếu công nghệ đã tăng giá mạnh trong đại dịch và chuyển vốn sang những cổ phiếu chu kỳ

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với mức điểm gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/2), khi nhà đầu tư tiếp tục bán ra những cổ phiếu công nghệ đã tăng giá mạnh trong đại dịch và chuyển vốn sang những cổ phiếu chu kỳ được dự báo sẽ khởi sắc khi Covid-19 lắng xuống.

Theo tin từ Reuters, công nghiệp là nhóm cổ phiếu giữ vai trò trụ cột cho chỉ số S&P 500 trong phiên cuối của tuần nhờ mức tăng tương ứng 9,9% và 5% của Deere và Caterpillar. Trong đó, cổ phiếu Caterpillar đạt mức chốt phiên ở mức cao nhất mọi thời đại.

Các nhóm tài chính, nguyên vật liệu, năng lượng và công nghiệp thuộc S&P 500 đều tăng hơn 1% mỗi nhóm. Nhóm cổ phiếu hàng không thậm chí tăng 3,5%, khi thị trường nhìn về triển vọng phục hồi của hoạt động đi lại sau đại dịch.

Trái lại, những cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng "tại gia" trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội, như Microsoft, Facebook, Alphabet, Amazon và Netflix tiếp tục xu hướng giảm điểm của phần lớn thời gian trong tuần này. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy rằng, sau đợt tăng mạnh của cổ phiếu công nghệ kéo dài từ suốt tháng 3 năm ngoái, giờ là lúc hợp lý để hiện thực hóa lợi nhuận.

Các cổ phiếu giá trị tăng 0,6%, trong khi các cổ phiếu tăng trưởng giảm 0,6%. Trên toàn thị trường, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp khoảng 2 lần số mã giảm.

Trao đổi với Reuters, ông Tim Ghriskey - Giám đốc đầu tư thuộc Inverness Counsel - nhận định rằng vẫn đang tiếp diễn một "cuộc chiến" giữa cổ phiếu tăng trưởng dẫn dầu là nhóm công nghệ và cổ phiếu chu kỳ - những công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện kinh tế.

"Khi nền kinh tế khởi sắc, những cổ phiếu này tăng mạnh. Khi nền kinh tế đi xuống, những cổ phiếu này cũng yếu đi", ông Ghriskey nói về cổ phiếu chu kỳ. "Nền kinh tế sẽ trỗi dậy, ít nhất trong một khoảng thời gian. Nhu cầu bị dồn nén là rất lớn, bao gồm cả nhu cầu đi lại và quay trở lại với công việc".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,98 điểm, tương đương tăng 0%, đạt 31.494,32 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,11 điểm, tương đương tăng 0,07%, đạt 13.874,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,26 điểm, tương đương giảm 0,19%, còn 3.906,71 điểm.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ phiên này đạt khoảng 13,47 tỷ cổ phiếu.

Vào đầu tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết, tiến trình triển khai vaccine ngừa Covid-19, và kỳ vọng vào gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Trong phiên ngày thứ Sáu, Dow Jones có thời điểm lập kỷ lục về mức điểm nội phiên, sau khi Deere nâng dự báo lợi nhuận năm 2021. Lợi nhuận của Deere trong quý 4/2021 tăng hơn gấp đôi nhờ nhu cầu gia tăng đối với các loại máy móc nông nghiệp và xây dựng. Cổ phiếu hãng chế tạo máy móc này tăng mạnh, kéo cổ phiếu đối thủ Caterpiller tăng theo.

Tuần này là tuần giảm điểm đầu tiên kể từ đầu tháng của S&P 500 và Nasdaq, khi nhà đầu tư trở nên lo ngại mức định giá cổ phiếu bị đẩy lên cao. Ngoài ra, mối lo về sự trỗi dậy của lạm phát cũng là nguyên nhân gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.

Tính cả tuần, Dow Jones tăng 0,1%, S&P 500 giảm 0,7%, và Nasdaq trượt 1,6%.

Ngân hàng Bank of America dự báo thị trường chứng khoán Mỹ có thể bước vào một đợt giảm hơn 10%, vì hệ số giá/thu nhập (P/E) của S&P 500 hiện đã lên tới hơn 22 lần, mức cao nhất kể từ bong bóng dotcom vào cuối thập niên 1990.

"Những gì chúng ta chứng kiến trong tuần này cho thấy một thị trường đã mệt mỏi. Vì vậy, thị trường có thể chuẩn bị cho một đợt rút lui, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ xảy ra ngay", chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo thuộc Spartan Capital Securities nhận định.