08:23 21/03/2014

S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống “tiêu cực”

Thanh Hải

Tới lúc này, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt thứ hai với Nga, trong khi EU chưa chắc thông qua lệnh trừng phạt kinh tế với Nga

Động thái này của tổ chức định mức tín nhiệm S&amp;P được cho là sẽ có tác động tới nền kinh tế Nga - Ảnh: Wlb.<br>
Động thái này của tổ chức định mức tín nhiệm S&amp;P được cho là sẽ có tác động tới nền kinh tế Nga - Ảnh: Wlb.<br>
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vừa hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống “tiêu cực”, từ mức “ổn định”, do lo ngại về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế này từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Nguy cơ địa chính trị tăng cao và viễn cảnh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành các biện pháp trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea, có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư tiềm năng và làm suy yếu thêm hiệu năng kinh tế vốn đang ngày càng bị xói mòn của Nga”, S&P cho biết trong báo cáo ngày 20/3.

Cũng trong ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 20 nghị sĩ và các quan chức cấp cao chính phủ cùng các cá nhân quan trọng của Nga, bổ sung thêm cho danh sách 11 người đã bị Washington trừng phạt. Ngân hàng Bank Rossiya cũng nằm trong lệnh trừng phạt mới.

Ngoài ra, Tổng thống Obama khẳng định, ông đã ký sắc lệnh thi hành để cho phép Mỹ áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với những khu vực quan trọng của nền kinh tế Nga. Trước đó, lệnh trừng phạt thứ nhất của Mỹ đối với Nga bị đánh giá là không có tác động gì, không ngăn cản được Nga sáp nhập Crimea.

Theo giới phân tích, tác động từ lệnh mới sẽ rõ ràng hơn. Lệnh này không chỉ hướng tới giới chức Nga, mà còn nhằm vào ngân hàng gắn bó với nhóm lợi ích nòng cốt của Tổng thống Nga, cũng như giới doanh nhân tỷ phú thân cận với ông Putin, như Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg và Boris Rotenberg.

Tuy nhiên, cũng liên quan vấn đề này, phát biểu hôm 20/3 tại Brussels (Bỉ) trước thềm hội nghị thượng đỉnh của EU về khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chưa vội thông qua những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tổng thống Hollande khẳng định lãnh đạo các nước sẽ thảo luận mở rộng các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân mà châu Âu cho là có liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngoài ra, EU cũng sẽ xem xét khả năng trừng phạt kinh tế, nhưng việc thông qua một lệnh trừng phạt hiện là “quá sớm”.

Trên thực tế, những nhận định về sự yếu kém của nền kinh tế Nga do tác động từ vấn đề Ukraine đã được đưa ra khá nhiều thời gian gần đây. Hôm 17/3, phát biểu tại một hội nghị doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Sergei Belyakov đã cảnh cáo rằng kinh tế Nga đang lâm vào khủng hoảng.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin, cũng cho rằng nước Nga có thể sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ các dòng vốn chảy ra ngoài lên tới 50 tỷ USD/quý và tăng trưởng kinh tế ở mức 0%, nếu như các nước phương Tây đồng loạt tiến hành những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.

Theo ông Kudrin, các ngân hàng phương Tây đã bắt đầu hạn chế cung cấp tín dụng cho Nga và đình lại các khoản cho vay đã được dự trù. Ông cảnh báo các ngân hàng Nga sẽ sớm bị cấm thực hiện bất cứ giao dịch nào với các bên cho vay từ Mỹ và EU, điều có thể khiến có thêm 50 tỷ USD chảy ra ngoài Nga.

Ông Kudrin cho rằng các biện pháp trừng phạt cũng có thể đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga xuống 0%. Trước đó, sau khi điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội giảm trong tháng 2, Ngân hàng trung ương Nga đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng từ mức 1,5 - 1,8% trong năm 2014.