22:10 08/05/2019

Starbucks hưởng 2,3 tỷ USD quảng cáo miễn phí nhờ “cú phốt” của Game of Thrones

Diệp Vũ

Chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks được cho là đã hưởng lợi 2,3 tỷ USD quảng cáo miễn phí trong vòng mấy ngày qua

Chiếc cốc gây tranh cãi xuất hiện trong cảnh quay của Game of Thrones - Ảnh: CNBC.
Chiếc cốc gây tranh cãi xuất hiện trong cảnh quay của Game of Thrones - Ảnh: CNBC.

Chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks được cho là đã hưởng lợi 2,3 tỷ USD quảng cáo miễn phí trong vòng mấy ngày qua, sau khi một chiếc cốc cà phê của thời hiện đại xuất hiện trong một cảnh của bộ phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền), dù chiếc cốc này thậm chí không phải là của Starbucks.

Theo hãng tin CNBC, vào hôm Chủ nhật vừa rồi, những khán giả "tinh mắt" của kênh HBO đã phát hiện thấy chiếc cốc nói trên khi xem Game of Thrones phát sóng trên kênh này. Những bức ảnh và video ghi lại khoảnh khắc đó đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội chỉ vài giờ sau khi bộ phim được phát sóng.

Nhãn dán của chiếc cốc bị khuất trong bóng, nhưng nhiều người xem đồn đoán rằng đó chính là logo huyền thoại màu xanh lá cây của Starbucks, và hầu hết các bình luận liên quan đều gọi tên "đế chế" cà phê có trụ sở ở thành phố Seatle của Mỹ.

Nhưng hóa ra, đó chỉ là một chiếc cốc đến từ bộ phận phục vụ ăn uống cho đoàn làm phim Games of Thrones.

Bà Stacy Jones, Tổng giám đốc (CEO) công ty quảng cáo Hollywood Branded, ước tính rằng giá trị quảng cáo miễn phí mà vụ này mang đến cho Starbucks lên tới 2,3 tỷ USD. Bà Jones dẫn số liệu từ công ty đánh giá quảng cáo Critical Mention cho thấy đã thống kê được 10.627 lượt đề cập đến Starbucks và Game of Thones trên mạng Internet, TV và phát thanh trên toàn thế giới.

"Đây là dịp may hiếm gặp đối với Starbucks", bà Jones nói. "Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì những gì không thể đo đếm được là sự truyền miệng và qua truyền thông xã hội".

Một phân tích của Talkwalker đếm được hơn 193.000 lượt đề cập đến Starbucks và Game of Thrones qua các hashtag trên mạng xã hội Twitter, diễn đàn xã hội, blog và các trang tin tức chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Đến ngày thứ Ba, hình ảnh chiếc cốc gây tranh cãi đã được xóa khỏi bộ phim, nhưng cuộc bàn tán về Starbucks và Game of Thrones vẫn diễn ra không ngớt trên các trang mạng như Twitter và Reddit.

"Không thể đưa ra một con số cụ thể về giá trị quảng cáo miễn phí mà Starbucks nhận được trong vụ này, nhưng sự xuất hiện của chiếc cốc trong cảnh phim hoàn toàn khác biệt với những quảng cáo sản phẩm theo kiểu tương tự, bởi đây là một sự tình cờ. Chính vì thế mà giá trị của nó lớn hơn nhiều", ông Dan Hill, CEO của Hill Impact, nhận xét.

Việc có nhiều người đến như vậy xem chiếc cốc là của Starbucks đã là một sự khẳng định sức mạnh thương hiệu của hãng này.

"Starbucks đã trở thành một cái tên gần như đồng nghĩa với cà phê, bởi vậy không có gì là khó hiểu khi nhiều người xem chiếc cốc xuất hiện trên màn hình là của Starbucks", ông Charell Star, Giám đốc phụ trách nội dung và sáng tạo tại công ty quảng cáo Essence, nhận xét.

Sở dĩ sự xuất hiện của chiếc cốc thu hút sự chú ý lớn như vậy là vì không phù hợp với bối cảnh của Game of Thrones - theo ông Noah Mallin, chuyên gia thuộc công ty truyền thông Wavemaker.

Thông thường, trong các quảng cáo kiểu cài cắm sản phẩm (product placement), sản phẩm phải phù hợp với nhân vật hoặc nội dung mà sản phẩm xuất hiện cùng. Nếu sự xuất hiện của chiếc cốc trong Game of Thrones là có chủ ý, thì đây có thể được xem như một quảng cáo tiêu chuẩn kiểu cài sản phẩm: một sản phẩm có in logo thương hiệu xuất hiện trong cảnh quay nhưng không phải là một phần của nội dung kịch bản.

Theo ông Mallin, do mức độ hút người xem của Game of Thrones, mỗi quảng cáo cài sản phẩm trong bộ phim này có thể có giá lên tới hàng trăm nghìn USD. Phần phát sóng hôm 5/5 của bộ phim có 11,8 triệu lượt xem trong lần phát đầu tiên, giảm 2% so với phần trước đó.

Tuy nhiên, HBO là một kênh không hỗ trợ quảng cáo, nên các đơn vị quảng cáo thường không phải trả tiền cho việc cài sản phẩm. Thay vào đó, họ cung cấp sản phẩm, như một cốc cà phê, một chiếc xe hơi, trang phục… cho kênh này để giúp bù đắp chi phí sản xuất chương trình.

Ông Mallin nhận xét rằng các công ty truyền thông và quảng cáo sẽ không dễ dàng tạo ra được một "cơn sốt" như những gì mà sự xuất hiện của chiếc cốc trong Game of Thrones đã làm được với Starbucks.

"Việc này giống như sét đánh trong một cái chai vậy", ông nói.