08:26 23/09/2022

Tăng tốc “cuộc đua lãi suất” giữa các ngân hàng trung ương

An Huy

Một loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm của tuần này, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đẩy mạnh cuộc chiến chống lại lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ở London - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ở London - Ảnh: Reuters.

Sự quyết liệt đó đang đặt ra sức ép lên lên tăng trưởng kinh tế thế giới và gây ra biến động mạnh trên các thị trường tài chính.

Riêng Nhật Bản, nền kinh tế phát triển duy nhất đứng ngoài “cuộc đua” tăng lãi suất, quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày thứ Năm. Hệ quả là đồng Yên rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với Euro, buộc nhà chức trách Nhật Bản phải có động thái can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998 để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, bằng cách bơm ngoại tệ để mua vào Yên.

KỶ NGUYÊN CỦA CAN THIỆP VÀO THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI?

Theo hãng tin Reuters, “cuộc đua” lãi suất tăng tốc là một dấu hiệu cho thấy có thể sắp xuất hiện một cuộc điều chỉnh lớn trên thế giới. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh thế giới bắt buộc phải thích nghi với việc lãi suất ở Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm - sự kiện khiến Fed phải mạnh tay cắt giảm lãi suất về 0 và tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ.

Kỷ nguyên tiền rẻ đó đã kéo dài qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, cho tới khi lạm phát bắt đầu trở thành một mối đe doạ lớn đối với các nền kinh tế. Lãi suất ở Mỹ và tỷ giá đồng USD vốn giữ vai trò  là mốc tham chiếu cho lãi suất trên khắp thế giới, và Fed giờ đây đã phát tín hiệu không chỉ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mà còn sẽ duy trì sự thắt chặt đó trong vài năm.

Đối với nhiều quốc gia, lập trường này của Fed có thể đồng nghĩa với một cú sốc tài chính mới, và một cuộc định giá lại trên diện rộng đối với trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản tài chính khác.

 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, các ngân hàng trung ương cáo buộc lẫn nhau gây “chiến tranh tiền tệ” khiến đồng nội tệ mất giá nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu.

Tỷ giá đồng USD tăng bền bỉ giúp giảm bớt áp lực lạm phát ở Mỹ, nhưng lại làm gia tăng chi phí nhập khẩu đối với các quốc gia khác. Đây có thể là một nguyên nhân khiến Nhật Bản không thể tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn” mà quyết định có cuộc can thiệp đầu tiên vào thị trường ngoại hối sau 23 năm. Một số nhà phân tích cho rằng những động thái tương tự có thể sắp xuất hiện.

“Can thiệp vào thị trường ngoại hối thường mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn so với các biện pháp khác. Tuy nhiên, cú sốc lạm phát hiện nay có thể lấn át sự lưỡng lự này. Chúng ta có thể đang bước vào kỷ nguyên của sự can thiệp vào thị trường ngoại hối”, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM nhận định.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, các ngân hàng trung ương cáo buộc lẫn nhau gây “chiến tranh tiền tệ” khiến đồng nội tệ mất giá nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu. Cáo buộc đó nhằm thẳng hơn cả vào Fed.

Giờ đây, lạm phát có thể dẫn tới căng thẳng tương tự, chỉ là theo chiều hướng ngược lại. Bộ Tài chính Mỹ - cơ quan theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ toàn cầu để phát hiện dấu hiệu các quốc gia can thiệp nhằm giành lợi thế và tỷ giá - đã “để mắt” tới động thái ngày 22/9 của Nhật Bản. Một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng đây là một nỗ lực của Nhật Bản nhằm “giảm bớt mức độ biến động gia tăng gần đây” của tỷ giá Yên, nhưng không nói rõ Washington có đồng tình với sự can thiệp này hay không.

Hồi tháng 7, khi được hỏi về sự mất giá chóng mặt của đồng Yên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đáp rằng can thiệp tiền tệ chỉ là việc nên làm trong “những tình huống hiếm hoi và khác thường”.

CHẤP NHẬN TỔN THẤT ĐỂ CHỐNG LẠM PHÁT

Cuộc chiến chống lại sự bùng nổ của lạm phát đang diễn ra ở nhiều quốc gia, nhưng phản ứng của Fed nổi bật hơn cả bởi vai trò toàn cầu của đồng USD và cả sự quyết liệt của ngân hàng trung ương Mỹ. Khi được hỏi về rủi ro từ việc các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt dịch chuyển chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed sẽ cố gắng đánh giá tác động lan toả của chính sách tiền tệ giữa các quốc gia nhưng chủ yếu tập trung vào các điều kiện kinh tế trong nước.

“Chúng tôi nhận thức rõ về những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế khác trên thế giới và cả việc điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng tôi”, ông Powell nói tại cuộc họp báo hôm thứ Tư sau khi Fed nâng lãi suất. Tuy nhiên, ông nói rằng các quan chức Mỹ “có một sứ mệnh trong nước và các mục tiêu trong nước” là ổn định lạm phát và tối đa hoá thị trường lao động ở Mỹ.

 

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng sẵn sàng chấp nhận việc thắt chặt sẽ gây ra những tổn thất gồm suy giảm đầu tư, tuyển dụng nhân sự và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Các động thái tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác là cơ sở để các định chế quốc tế và giới phân tích cảnh báo rằng lãi suất tăng của những đồng tiền như USD và Euro có thể khiến các điều kiện tài chính trên toàn cầu thắt chặt tới mức dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cùng với động thái nâng lãi suất của Fed ngày thứ Tư tuần này - đợt nâng lãi suất thứ 5 của Fed kể từ tháng 3 - gần một chục ngân hàng trung ương khác từ Indonesia tới Na Uy cũng tăng lãi suất, kèm theo đó là dự báo sẽ tiếp tục nâng trong thời gian tới, để chống lại lạm phát dao động từ 3,5% ở Thuỵ Sỹ cho tới xấp xỉ 10% ở Anh. Các nền kinh tế khác tăng lãi suất trong đợt này còn có Thuỵ Điển và Philippines.

Các ngân hàng trung ương quả quyết rằng chống lại sự leo thang của giá cả là nhiệm vụ chính của họ ở thời điểm này. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng sẵn sàng chấp nhận việc thắt chặt sẽ gây ra những tổn thất gồm suy giảm đầu tư, tuyển dụng nhân sự và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Thị trường đang tin chắc rằng ECB sẽ tăng lãi suất lần nữa vào ngày 23/10, và kỳ vọng vào các bước nhảy lãi suất cũng được đẩy lên cao hơn. ECB được cho là sẽ nâng lãi suất lên khoảng 3% trong năm tới, từ mức 0,75% hiện nay.

Nhật Bản giữ lãi suất ở mức âm 0,1% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một lựa chọn ngày càng thiếu bền vững xét tới sự dịch chuyển toàn cầu sang chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục giữ chính sách tiền tệ trái chiều với xu hướng toàn cầu. Ngày thứ Năm, cơ quan này bất ngờ hạ thêm lãi suất, với mức giảm 1 điểm phần trăm, về 12% từ 13% trước đó. Việc hạ lãi suất này diễn ra giữa lúc lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 80%, cao nhất 24 năm và đã tăng liên tiếp 15 tháng. Sau động thái hạ lãi suất, tỷ giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.