08:39 13/12/2022

Tăng tốc để thực thi CPTPP hiệu quả hơn

Song Hà

Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ trong hiệp định này còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm...

Sắt thép và các sản phẩm sắt tận dụng tốt ưu đãi từ CPTPP
Sắt thép và các sản phẩm sắt tận dụng tốt ưu đãi từ CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 14/1/2019. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các nước đối tác thuộc châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam như Canada, Peru, Mexico cũng có kim ngạch tăng trưởng rất mạnh mẽ.

HIỂU BIẾT VỀ CPTPP ĐÃ CẢI THIỆN ĐÁNG KỂ

Nhận định về kết quả đạt được kể từ khi thực hiện CPTPP, tại tọa đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” mới đây, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng mặt được lớn nhất mà chúng ta thu được từ CPTPP đó chính là nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp về CPTPP đã cải thiện đáng kể.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu về CPTPP hay hiểu rõ về CPTPP đã tăng trưởng mạnh, trong khoảng 2 năm tăng từ hơn 2% lên gần 9% trong năm 2021 - đầu 2022.

Một điểm tích cực nữa là kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP nói chung và đặc biệt là sang ba thị trường chưa có FTA khi ký CPTPP là Canada, Mexico, Peru tăng trưởng rất mạnh.

Đặc biệt, thặng dư thương mại từ hai thị trường Canada và Mexico là một con số rất đáng kể, năm 2019 chiếm tới hơn 50% thặng dư thương mại, năm 2021 thặng dư của họ lên đến 8,5 tỷ USD. Không chỉ vậy, có thời điểm xuất khẩu sang thị trường Peru tăng trưởng đến ba chữ số.

Tuy nhiên, theo ông Khanh, mặc dù chúng ta xuất khẩu sang Canada, Mexico giá trị tăng nhưng tỷ trọng của hai thị trường này còn tương đối khiêm tốn trong tổng kim ngạch. Hơn nữa, ở những mặt hàng chúng ta có tỷ lệ tận dụng tốt thì giá trị chưa cao, còn những mặt hàng xuất khẩu giá trị cao thì tỷ lệ tận dụng lại còn tương đối khiêm tốn.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận tỷ lệ sử dụng ưu đãi tại các thị trường mới trong CPTPP không quá thấp. Nếu nhìn con số về tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong CPTPP ở mức 6,7%, về con số tuyệt đối thì có vẻ thấp, nhưng thực tế con số này tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra toàn bộ khối, gồm 11 nước thành viên và trong đó mới có 6 nước thành viên đã thực thi CPTPP tính đến thời điểm khoảng từ tháng 8/2021 trở về trước, tính riêng sáu nước này, tỷ lệ sẽ cao hơn chứ không phải là 6,7%.

Xét về góc độ mặt hàng, nếu tính trên tổng thể chung của khối CPTPP bao gồm những nước đã thực thi và những nước chưa thực thi hiệp định, tỷ lệ những nhóm hàng chúng ta sử dụng tốt là: giày dép chiếm khoảng 43%; xơ sợi cũng khoảng 33%; sắt thép và các sản phẩm sắt, thép 76%; điện thoại và linh kiện điện thoại là 13% và thủy sản là 6%.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên, thừa nhận rằng sau 3 năm thực hiện CPTPP, tỷ lệ xin xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan của dệt may rất thấp.

Trong số 7 nước đã ký CPTPP thì chúng ta hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương, chẳng hạn như với Nhật Bản, New Zealand, do ta đã có FTA song phương nên gần như đã tận dụng từ trước.

Đơn cử, FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản thì điều kiện để hưởng thuế suất 0% còn “dễ thở” hơn so với CPTPP, đó là lý do giải thích cho việc tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP mới ở mức gần 7%.

Đồng tình, ông Trần Thế Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bình Dương, chia sẻ do đặc thù các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh còn mang nặng hình thức gia công, chế biến, đặc biệt là hai ngành dệt may, da giày nên việc tận dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước và các nước thuộc khối CPTPP còn hạn chế, tuy có tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt theo kỳ vọng.

Nguyên nhân chính là do các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng tốc để thực thi CPTPP hiệu quả hơn - Ảnh 1