06:00 23/08/2022

Kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP tăng gần 22% trong 7 tháng năm 2022

Vũ Khuê

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam...

CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với thuỷ sản.
CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với thuỷ sản.

Bộ Công Thương nhận định, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng 19% trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới.

7 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so với 7 tháng năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,70% tỷ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Canada là quốc gia đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong CPTPP, với kim ngạch 7 tháng năm 2022 đạt 3,87 tỷ USD, tăng 32,19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Malaysia đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tăng trưởng kim ngạch, so với 7 tháng năm 2021, hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng cao về kim ngạch, như Burnay (tăng trưởng trên 659%), Malaysia (tăng 42,26%), Úc (tăng 38,75%). Đây cũng là những thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng trong thời gian tới của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Peru là thị trường duy nhất có sự sụt giảm nhẹ về kim ngạch (ứng với 331,50 triệu USD, giảm 91 nghìn USD).

Xét về nhu cầu thị trường, các nước Châu Mỹ, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nông thuỷ sản, đây đều là những mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam nên có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các thị trường này cũng có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng mới mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác như dây cáp điện, các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm.

Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027 đang được lấy ý kiến góp ý.

Trong đó, dự thảo quy định rõ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2022-2027, áp dụng đối với 603 dòng thuế. Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%; năm 2023 là 7,9%; năm 2024 là 7,4%; năm 2025 là 7%; năm 2026 là 6,6%; năm 2027 là 3,6%.

Thuế suất ban hành trong Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP.

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho từng năm, được áp dụng từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 31/12/2027.

Hiệp định CPTPP không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên.