Tạo việc làm trong nước để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc
Cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam rất rộng mở nếu người lao động tận dụng được vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm trong thời gian làm việc ở nước ngoài
Hàn Quốc, Nhật Bản những năm trở lại đây được xem là các thị trường lao động thu hút bậc nhất đối với lao động Việt Nam vì mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi về nước nhiều người phải đối mặt với việc khó tìm được một công việc phù hợp là lý do vẫn còn tình trạng lao động hết hạn hợp đồng nhưng ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Sang Hàn Quốc làm việc từ năm 2015 và hết hạn hạn hợp đồng về nước vào cuối năm 2019, lại đúng thời điểm dịch Covid 19 bùng phát chưa có công việc ổn định, nên ngay khi biết tin có phiên giao dịch việc làm dành cho lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 15/10, anh Nguyễn Văn Hiệp (Hoài Đức, Hà Nội) có mặt từ rất sớm.
Trước đó tại Hàn Quốc, anh Hiệp từng làm công nhân sản xuất nhựa với mức thu nhập từ 40 – 45 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc tại đây, anh được mở mang thêm nhiều kiến thức, được tiếp cận máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại nên rất muốn làm việc lâu dài. Dù biết về Việt Nam sẽ khó tìm được công việc với mức lương cao như vậy, nhưng hết hạn hợp đồng anh đành về nước, không ở lại bất hợp pháp để không ảnh hưởng đến những người đi sau.
Không chỉ vì mức thu nhập không được như kỳ vọng, việc lo lắng không tìm được việc làm khi trở lại quê hương cũng khiến nhiều lao động băn khoăn. Anh Hoàng Đông Hưng (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, khi ở Hàn Quốc anh làm việc trong lĩnh vực thực phẩm mỗi tháng có thể nhận khoảng 40 triệu đồng, song về nước, muốn tìm việc liên quan đến lĩnh vực này không nhiều nên rất khó xin việc.
Dù vậy, theo anh việc lao động bất hợp pháp ở nước bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người Việt Nam khác đang làm việc ở Hàn Quốc cũng như những người mới sang.
"Nhiều người bỏ ra ngoài làm thì cơ hội cho người mới đi sẽ khó hơn nên tôi mong muốn những ai hết hạn hãy về nước để tránh rủi ro khi làm việc "chui" mà mình lại có thể được đi tiếp", anh Hưng chia sẻ.
Tương tự, anh Phạm Văn Luân, Thanh Trì (Hà Nội), từng có gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc cho rằng, tâm lý chung khiến nhiều người ở lại bất hợp pháp là vì lo ngại khi về nước không tìm được công việc phù hợp để ổn định cuộc sống, đặc biệt với những người đứng tuổi.
Trước những băn khoăn của người lao động, ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khẳng định, lao động đi làm việc từ nước ngoài trở về, nhất là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản là nguồn lao động rất quý giá đối với Việt Nam, đặc biệt trong sự phát triển công nghiệp trong tương lai. Đây vừa là những lao động có tay nghề, kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ, được đào tạo làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Tạo, trong thời gian qua, bên cạnh nhiều lao động tận dụng được kinh nghiệm, kiến thức, ngoại ngữ của mình để lập nghiệp thành công thì vẫn còn những lao động khi về nước gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Do đó, từ năm 2013 Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với các địa phương tổ chức phiên giao dịch việc làm riêng cho các lao động nước ngoài, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có điều kiện tuyển dụng nguồn lao động phù hợp, nhưng hơn hết là để người lao động yên tâm quay trở lại quê hương tìm việc làm, giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.
"Trong bối cảnh cả thế giới đang gặp khó khăn do Covid -19, cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản là rất rộng mở nếu các bạn chịu khó mày mò tận dụng được những kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ có được trong thời gian vất vả làm việc ở nước ngoài, chắc chắn sẽ thành công", ông Tạo chia sẻ.