15:52 21/08/2015

Thải độc cho… não bộ

PV

Mỗi ngày hàng tỷ tế bào não chỉ huy và truyền tải những xung động thần kinh đến các bộ phận khác nhau của bộ não. Những “kết nối” nào quan trọng trong giấc ngủ sẽ được tăng cường, còn “kết nối” không quan trọng trong thời gian ngủ sẽ được “lượt bớt”. Nói nôm na, khi ngủ các hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ giảm bớt nhịp độ hoạt động giúp cơ thể thả lỏng hoàn toàn. Ngoài ra, giấc ngủ cũng là cơ chế để não bộ “dọn dẹp” những chất thải độc hại là những loại hóa chất từ chính cơ thể tiết ra trong quá trình hoạt động. BBC dẫn lời giáo sư Maiken Nedergaard thuộc trung tâm Y khoa - Đại học Rochester (Mỹ) cho biết, quá trình loại thải các hóa chất khỏi não bộ được thực hiện khi ngủ.

Thải độc cho… não bộ - Ảnh 1

Ngủ sớm cũng là thải độc Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chuyên về lão khoa và gia đình (Viện Lão khoa Việt Nam) thì giấc ngủ say vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Với phụ nữ, giấc ngủ không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn đóng vai trò quan trọng đối với làn da, sắc đẹp và vóc dáng. Một người phụ nữ thường xuyên mất ngủ, hoặc thường xuyên đi ngủ muộn sẽ không bao giờ có được làn da đẹp. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy, việc thường xuyên đi ngủ muộn sẽ khiến cho phụ nữ già nhanh hơn và sở hữu làn da xấu tệ. Sở dĩ giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe là bởi, buổi tối là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với gan, khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong khoảng thời gian này càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.
Từ 21 giờ đêm, các hệ miễn dịch và các cơ quan đào thải chất độc như gan, mật, phổi, ruột già, ruột non… bắt đầu hoạt động. Các cơ quan này sẽ hoạt động có hiệu quả nhất khi chúng ta đi ngủ sớm và có giấc ngủ say.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, vào buổi tối, bắt đầu từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Giấc ngủ say sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể diễn ra như sau:    – Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy. Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.    – Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.- Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn. Chính vì cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể như vậy nên những người thường xuyên ngủ khuya hoặc thức đêm sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Sức khỏe không tốt được biểu hiện bởi làn da xám, tái xanh, hoặc nổi đầy mụn, nám…

Thải độc cho… não bộ - Ảnh 2

Thiếu ngủ gây hại cho gan Những người thông minh là những người dành 1/3 cuộc sống cho việc ngủ. Nghe có vẻ lãng phí, nhưng thật ra, trong khi ngủ, cơ thể hoạt động như một “công cụ làm sạch nhà” theo đúng nghĩa đen. Hoạt động thần kinh trong khi ngủ gần như xảy ra với cùng một mức độ như khi còn thức. Bên cạnh các chức năng mà cơ thể thực hiện không tự nguyện trong khi ngủ như tiêu hóa thức ăn, thở, gửi tín hiệu đến các cơ quan…, thì thời gian đó, não còn tiến hành quá trình nhận thức tích cực hơn. Thức đêm là nguyên nhân gây hại cho gan và sức khỏe bản thân. Bởi vì hormone vỏ thượng thận và hormone tăng trưởng đều tiết ra vào ban đêm khi con người chìm vào giấc ngủ. Hormone vỏ thượng thận tiết ra vào lúc sáng sớm trước khi bình minh, có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất đường trong cơ thể, đảm bảo cơ thịt phát triển; Hormone tăng trưởng sau khi ngủ mới sản sinh ra, vừa thúc đẩy tăng trưởng ở thanh thiếu niên mà cũng kéo dài quá trình lão hóa ở người già. Vì vậy thời gian ngủ tốt nhất trong ngày là buổi tối từ 10 giờ đến sáng sớm lúc 6 giờ. Từ 11 giờ đến 1 giờ khuya mỗi ngày là thời điểm gan bắt đầu lọc và đào thải các chất độc trong cơ thể, thời điểm từ 1 – 3 giờ sáng là lúc bạn cần ngủ say để gan có thể thanh lọc cơ thể tốt nhất. Từ 3 – 5 giờ sáng, gan sẽ hoàn thành quá trình thanh lọc và nghỉ ngơi. 5 – 7 giờ sáng là thời điểm vàng để thức dậy và vệ sinh cá nhân để thải độc tố ra bên ngoài. Vì đồng hồ của sinh học của cơ thể ấn định như vậy nên nếu bạn thức quá khuya hay dậy quá trễ đều gây hại đến việc thải độc và nghỉ ngơi của gan. Đối với những người bắt buộc phải thức đêm và cảm thấy mệt mỏi cũng không nên đi ngủ ngay rồi lại dậy làm việc, như vậy giống như cỗ máy đột nhiên mở lên rồi lại đột nhiên tắt đi, điều này không hề đem lại ảnh hưởng tốt đối với cơ thể. Những lúc như vậy phải làm xong hết mọi việc rồi mới ngủ. Nếu buồn ngủ mà công việc chưa xong nên uống cafe hoặc nước trà hay những đồ uống có tính kích thích nhất định để tinh thần tỉnh táo, nhưng phải chú ý uống với nước nóng, không được đặc quá để tránh tổn thương dạ dày. Khi thức đêm, đại não cần lượng lớn khí oxy, do đó nên nhớ tăng cường hít thở thật sâu. Bằng cách đó, chúng ta có thể làm cho cơ thể của mình có giai đoạn hồi phục và tăng cường khả năng miễn dịch. Lịch “thải độc” của cơ thể    - 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say.     - Từ 0h - 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say. Thư giãn cho cột sống và toàn bộ xương của cơ thể.    - Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi.    - Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toilet vào lúc này. Một trong những phương pháp kích thích sự đào thải chất dư thừa độc hại trong cơ thể là người ta hay uống nước ấm sau khi ngủ dậy hoặc uống một cốc trà nhạt nhạt...    - Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn từ trước 6h sáng; còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng.    - Từ 9h - 11h là thời gian của lá lách và tuyến tụy. Lá lách hoạt động như hệ thống miễn dịch của cơ thể. Loại bỏ máu xấu đi. Tuyến tụy sản xuất enzyme giúp tiêu hóa thức ăn trong ruột non. Cơ thể lúc này năng nổ và rất tích cực, thuận lợi cho làm việc hay hoạt động.    - Từ 11h - 13h là thời gian của tim. Là cơ quan quan trọng nhất, bơm máu và chất dinh dưỡng cho não và đi khắp cơ thể. Giai đoạn này, huyết áp sẽ tăng lên đáng kể, những người có triệu chứng rối loạn tuần hoàn máu hoặc nhịp tim sẽ đổ mồ hôi rất nhiều và cảm thấy nóng nảy.    - Từ 13h - 15h là thời điểm ruột non tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Nếu không ăn trưa hoặc ăn không vừa đủ sẽ cảm thấy đói và khó chịu.    - Từ 15h - 17h là thời gian bàng quang lưu trữ nước được lọc qua từ thận. 17h tim mạch và cơ bắp trong cơ thể cứng rắng mạnh mẽ phù hợp với việc tập thể dục, làm cặn bả trôi chảy thuận lợi, bài tiết ra ngoài qua mồ hôi. Thể dục vào giai đoạn này làm cho cặn bả khó có cơ hội tích tụ trong thận và bàng quang (nguyên nhân sinh sỏi).     - Từ 17h - 19h là thời điểm của thận lọc chất thải từ máu và làm cân bằng sinh lý trong cơ thể. Đoạn 18h, huyết áp tăng cao, nên uống nhiều nước sạch (không uống nước đá) và không nên ngủ trong thời gian này (làm cho cơ thể khó ngủ vào ban đêm).    - Từ 19h - 21h là thời gian của cơ tim (nó là một thành phần quan trọng của tim) và là thời gian hoạt động của hệ tuần hoàn máu. Đoạn 19h, nhiệt độ cơ thể tăng lên tối đa, người bị bệnh ngoài da phải để ý trong thời gian này.     - Từ 21h - 23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph)  đào thải chất độc, lúc này nên ở trạng thái yên tĩnh, hành thiền hoặc nghe âm nhạc thư giãn, rồi chìm dần vào giấc ngủ.     - Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say. 

Phương Anh