16:20 24/02/2023

Thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 60 tỷ USD

Anh Tú

Kinh phí để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, riêng kinh phí dành cho đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 60 tỷ USD. Hiện siêu dự án này đang được Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức thẩm định...

Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tham khảo kinh nghiệm phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Tây Ban Nha.
Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tham khảo kinh nghiệm phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Tây Ban Nha.

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc sớm đầu tư, mở rộng đường sắt Việt Nam do đường sắt hiện đã lạc hậu so với thế giới.

Giao thông vận tải đường sắt với ưu thế là loại hình vận tải chiếm dụng ít đất đai, ít tác động đến môi trường; trong khi đó, có khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, chi phí tương đối thấp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu… phù hợp với hành lang, đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế cả nói chung và khu vực có tuyến đường sắt đi qua nói riêng. 

LỒNG GHÉP QUY HOẠCH, ĐỂ DÀNH QUỸ ĐẤT PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT

Thông tin với cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thời gian tới, quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được thông qua.

Cụ thể, về đường sắt quốc gia, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, thời gian tới sẽ ưu tiên nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có với chiều dài 2.440km.

 

Đồng thời, "đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Về đường sắt đô thị (metro), Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng các thành phố này với mục tiêu đến năm 2030.

Các địa phương khác cũng đang triển nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh. 

Về đường sắt chuyên dùng, quy hoạch nêu rõ sẽ tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu vận tải. 

Như vậy, sau khi mạng lưới đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kết nối các vùng, hành lang kinh tế chiến lược, trung tâm đô thị, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông lớn… của cả nước.

Tuy nhiên, "do kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.

Do đó, để sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt nước ta, Bộ Giao thông vận tải rất mong được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Bộ cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics… gắn kết với các khu ga, từ đó có thể phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của loại hình vận tải đường sắt để dành quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sử dụng dịch vụ đường sắt. 

HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐỂ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CÁC KỊCH BẢN ĐẦU TƯ

Vừa qua, thông tin tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Tây Ban Nha tại Việt Nam Pilar Méndez Jiménez về tiềm năng hợp tác lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, cho biết tổng kinh phí đầu tư để thực hiện quy hoạch đường sắt vào khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, riêng kinh phí dành cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 60 tỷ USD.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, được Bộ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu từ năm 2005.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, cập nhật bổ sung, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và trình Thủ tướng. Hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức thẩm định.

"Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao các đơn vị tiếp thu, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư”, Thứ trưởng thông tin.

Thứ trưởng cũng cho biết, để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tham khảo kinh nghiệm phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Tây Ban Nha; xây dựng và hoàn thiện các kịch bản đầu tư, giải pháp công nghệ - kỹ thuật, phương án tổ chức vận tải...

Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông vận tải sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền phương án hợp tác với các quốc gia về thiết kế, công nghệ, thi công...

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị phía Tây Ban Nha quan tâm đến việc hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đặc biệt là nguồn nhân lực cho ngành đường sắt nói riêng.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Pilar Méndez Jiménez cho biết Tây Ban Nha là quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao dài thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Theo đó, hiện Tây Ban Nha có hơn 30 tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối 57 thành phố, phục vụ 70% dân số cả nước, đội tàu cao tốc 229 chiếc, từ đó tạo điều kiện cho phát triền kinh tế rất đồng đều trên phạm vi cả nước.

Trong 30 năm lịch sử hình thành và khai thác, hệ thống đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đã phục vụ hơn 464 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đang sử dụng năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây là ưu điểm vượt trội của phương thức vận tải đường sắt, góp phần bảo vệ môi trường.

Về vận tốc, hiện đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đã đạt tốc độ lên đến 350km/giờ. Đây là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt so với những phương thức vận tải khác. Hơn nữa, hạ tầng, thiết bị của hệ thống được đầu tư với chất lượng cao, ổn định, thông tin tín hiệu hiện đại. Do vậy, có thể đảm bảo được an toàn và đúng giờ, cũng là yếu tố khiến người dân ưu tiên lựa chọn đường sắt tốc độ cao thay thế vận tải hàng không và đường bộ. 

"Song song hệ thống đường sắt cao tốc là hệ thống đường sắt cao tốc chi phí thấp Avlo (tuyến Madrid – Barcelona) nhờ những cải tiến về vận tải đường sắt, vẫn đảm bảo tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, đặc biệt thuận tiện kết nối với các loại hình giao thông khác như đường bộ”, bà Đại sứ chia sẻ thông tin.

Việt Nam cũng có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn có thể có những hợp tác với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng.