08:12 30/01/2024

Thanh long Bình Thuận mở hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải

Chu Khôi

Những thành công bước đầu trong việc trồng thanh long giảm phát thải khí nhà kính, truy xuất dấu chân carbon ở Bình Thuận là minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Mã QR cho phép truy xuất dấu chân carbon của trái thanh long.
Mã QR cho phép truy xuất dấu chân carbon của trái thanh long.

Ngày 29/1/2024, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn:  Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận”.

NGÀNH HÀNG THANH LONG MỞ HƯỚNG ĐI MỚI

Phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết hội thảo nhằm giới thiệu những thành công của dự án "Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam". Dự án được triển khai bởi UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bạc Liêu từ năm 2019 đến 2023, với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Liên minh Châu Âu.

“Một trong những thành công nổi bật của dự án là hệ thống truy xuất dấu chân carbon cho trái thanh long đầu tiên ở Việt Nam, cho phép người tiêu dùng biết được lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất trái thanh long. Đây là minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Ramla Khalidi khẳng định. Dựa trên kinh nghiệm ở Bình Thuận, UNDP sẵn sàng hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra Đề án quốc gia về chuyển đổi ngành nông nghiệp bền vững, phát thải ít các bon. Từ đó, tận dụng các cơ chế tài chính bền vững để nhân rộng các mô hình này ra cả nước.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện là một trong số các nước đang phát triển đưa ra các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm: Cam kết về Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu; cam kết thực hiện Tuyên bố Glasgrow về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng. Tại COP28 vừa qua, Việt Nam đã cùng với hơn 140 quốc gia thông qua “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống Lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và Hành động vì khí hậu”.

Như vậy, có thể thấy việc chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam nói chung và chuỗi giá trị ngành hàng nói riêng như thanh long theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số… là một tất yếu và góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chuỗi giá trị ngành hàng thanh long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công loại quả này. Năm 2021, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm, cao hơn sản lượng cây này của Việt Nam - đây là thách thức lớn đối với thanh long Việt Nam. Do đó, ngành hàng thanh long nước ta cần có hướng đi mới.

Bình Thuận có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 27.000 ha thanh long với sản lượng trên 600.000tấn/năm.

 

"Qua dự án, đã có trên 80.000 bóng đèn Led 9W tiết kiệm năng lượng được lắp đặt tại các vườn trồng thanh long. “Chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9W, đã tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng phát thải khí  nhà kính. Cùng với đó, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng. Ngoài ra, các hợp tác xã đã sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới nước”.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Để sản xuất bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, từ năm 2009, theo ông Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong giai đoạn 2021-2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng UNDP hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của các nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.

NHẬT KÝ SẢN XUẤT THEO DÕI DẤU CHÂN CARBON LÀ  “VISA” ĐƯA THANH LONG ĐI CHÂU ÂU

Ông Phan Văn Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Bình Thuận, cho biết trái thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu đến 20 nước trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE) chiếm tỷ trọng 73,6 % về lượng và 56,6 % về giá trị; các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha) chiếm tỷ trọng 18,1 % về lượng và 28,7 % về giá trị; Châu Mỹ (Canada, Mỹ) chiếm tỷ trọng 8,1 % về lượng và 9,3 % về giá trị và Châu Đại dương (Úc, New Zealand).

Theo ông Tân, Dự án "Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam" đã được triển khai tại 4 Hợp tác xã/doanh nghiệp thuộc 3 huyện của Bình Thuận, với tổng số người hưởng lợi là 4.495 người. Trong đó, 1.038 người (chiếm 23,09%) được hưởng lợi trực tiếp và 3.457 người (chiếm 76,91%) hưởng lợi gián tiếp.

Dùng điện thoại quét mã QR trên trái thanh long sẽ truy xuất được dấu chân carbon trong quá trình sản xuất của trái thanh long.
Dùng điện thoại quét mã QR trên trái thanh long sẽ truy xuất được dấu chân carbon trong quá trình sản xuất của trái thanh long.

Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tại EU, dự án đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long, từ đó các hợp tác xã, doanh nghiệp đã chứng minh chất lượng sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch và có trách nhiệm. Từ 50 ha ban đầu có thể truy xuất nguồn gốc, đến nay đã mở rộng lên 269 ha đã được theo dõi phát thải carbon, thu hút 188 hộ gia đình thực hành các phương pháp xanh trên các chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận.

 

"Minh bạch từ sản xuất đến chế biến, Dự án đã phát triển thêm phân hệ Nhật ký sản xuất có theo dõi dấu chân carbon cho sản phẩm chế biến; có thể quét mã QR để chứng minh chất lượng và trách nhiệm môi trường của hoạt động chế biến thanh long Bình Thuận. Đây là điểm sáng tạo, đột phá trong quá trình thực hiện Dự án".

Ông Phan Văn Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Bình Thuận.

Tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 8.640 lượt ha thanh long, tương đương 23.300 tấn thanh long được theo dõi phát thải carbon. Kết quả này đánh dấu sự thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận bền vững và có trách nhiệm. Cùng với đó, sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP giúp các Hợp tác xã/doanh nghiệp có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp, rất nhiều lô hàng trái thanh long đã được xuất khẩu sang châu Âu và Austraylia.

Cùng với thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu, Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông và đào tạo về thương mại điện tử, lập kế hoạch kinh doanh thanh long xanh và áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, dự án cũng giúp kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.