17:46 17/11/2023

Đầu tư xanh vào chuỗi giá trị thanh long Bình Thuận, giảm phát thải khí nhà kính

Chu Khôi

Là tỉnh trọng điểm trồng thanh long với sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, Bình Thuận đang chuyển đổi canh tác thanh long bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của trái thanh long đã từng bước được thiết lập tại các nhiều hợp tác xã ở Bình Thuận…

Lắp đèn Led trên vườn thanh long, giúp  tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, vẫn đảm bảo cho thanh long ra hoa trái vụ.
Lắp đèn Led trên vườn thanh long, giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, vẫn đảm bảo cho thanh long ra hoa trái vụ.

Ngày 17/11/2023, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hội thảo với chủ đề: “Đối tác công tư về đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh của khu vực tư nhân được tăng cường chuỗi giá trị thanh long” đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các hợp tác xã và nông dân trồng thanh long.

HƠN 80% THANH LONG VẪN XUẤT KHẨU TIỂU NGẠCH

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết tính đến năm 2022, Bình Thuận có 27.788 ha diện tích cây thanh long, với sản lượng 594.000 tấn. Những năm gần đây, tiêu thụ thanh long thường xuyên bị rơi vào tình thế không ổn định, giá cả bấp bênh, nhiều thời điểm rơi vào cảnh rớt giá.

Trong khi đó, chế biến thanh long vẫn ở quy mô nhỏ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao; bao bì, mẫu mã còn đơn giản. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi, chế biến nhìn chung còn hạn chế về năng lực.

Từ năm 2021, Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam” đã mời Bình Thuận tham gia với chuỗi giá trị thanh long. Ngày 12/1/2022, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định 116/QĐ-UBND phê duyệt triển khai Dự án tại các huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Phương Vinh, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, cho hay hiện trên toàn tỉnh Bình Thuận có 35 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và 502 tổ hợp tác chuyên trồng thanh long, với tổng số hơn 10.000 hộ tham gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.383 ha thanh long được cấp các chứng nhận sản xuất an toàn.

Về tiêu thụ, xuất khẩu chiếm khoảng 85% trong tổng sản lượng thanh long thu hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó xuất khẩu chính ngạch mới chiếm khoảng 2-3 %, còn lại chủ yếu mua bán theo hình thực biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.

 
 
Đầu tư xanh vào chuỗi giá trị thanh long Bình Thuận, giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Phương Vinh, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận.

"Trong giai đoạn 2016-2022, xuất khẩu chính ngạch của thanh long Bình Thuận chỉ đạt 53 triệu USD, tương đương với 43.749 tấn thanh long tươi. Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường (châu Á chiếm 73.6% về lượng và 56,6% về giá trị; châu Âu chiếm 18.1% về lượng và 28,7% về giá trị; châu Mỹ chiếm 8,1% về lượng và 9,3% về giá trị).

Đối với xuất khẩu tiểu ngạch, thanh long được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua, vận chuyển ra Bắc để bán cho thương nhân Trung Quốc hoặc bán thông qua một số đầu mối, thương nhân Việt Nam ở biên giới. Từ năm 2016-2022, giá trị xuất khẩu thanh long Bình Thuận qua đường biên mậu đã thu về 2.637 triệu USD; bình quân 376,7 triệu USD/năm".

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 146 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 14 cơ sở chế biến đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cùng với đó, có 7 cơ sở chế biến các sản phẩm từ quả thanh long (gồm thanh long sấy, nước ép thanh long, kẹo thanh long, rượu thanh long, siro thanh long), hàng năm cung ứng khoảng 200 tấn thanh long sấy và từ 800.000-1.000.000 lít nước ép và rượu vang thanh long. Tại Bình Thuận, đã hình thành 12 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thanh long với sản lượng kiểm soát 90.775 tấn/năm.

Theo bà Vinh, Thanh long Bình Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) vào năm 2006; Chỉ dẫn địa lý “Thanh Long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT) đã đăng lý và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ.

Trên địa bàn tỉnh có 653 mã số vùng trồng thanh long đã được cấp, trong đó có 596 mã số đang hoạt động để xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc (119 mã số); Úc (146 mã số); NewZeland 146 mã số): Hoa Kỳ (81 mã số); Nhật Bản (10 mã số); Trung Quốc 94 mã số. Cùng với đó, có 318 mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp.

TRUY XUẤT DẤU CHÂN CARBON CHO THANH LONG

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, cho biết triển khai dự án Thúc đẩy phát triển chuyển đổi canh tác thanh long theo hướng giảm phát thải carbon, bền vững và chống chịu rủi ro khí hậu, đã lựa chọn 4 đơn vị tham gia, gồm: Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa lệ; Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh; Công ty TNHH nước ép Phúc Hà.

Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận.
Thu hoạch thanh long tại Bình Thuận.

Dự án đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng thanh long và phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh doanh ngành hàng thăng long theo chuỗi giá trị xanh.

Đồng thời, hỗ trợ thiết bị vật tư cho nông dân ứng dụng công nghệ mới vào canh tác: 81.900 bóng đèn led 9w; hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 36 ha; điện mặt trời hòa lưới áp mái 30,25 kWp tại Nhà đóng gói của Hợp tác xã Hòa Lệ; hệ thống điện mặt trời công suất 29,7kWp mái nhà đóng gói của Công ty Trịnh Anh; hệ thống xử lý nước rửa trái cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trịnh Anh – Hợp tác xã Hàm Minh 30; hỗ trợ máy sấy thăng hoa thanh long bằng năng lượng mặt trời cho Hợp tác xã Hòa Lệ; hỗ trợ máy tính để triển khai truy xuất nguồn gốc tại khu vực dự án dựa trên dữ liệu E-Farm ID và theo dõi lượng phát thải khí nhà kính dọc theo các tác nhân trong chuỗi…

Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long đã từng bước được thiết lập tại các Hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia dự án. Các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí phát thải khí carbon được lắp đặt tại từng vườn trồng, cập nhật lên không gian mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Không chỉ dừng lại ở đó, công nghệ này còn phân tích, để đưa ra các giải pháp để giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản.

Cụ thể, cải thiện hiệu quả sử dụng điện chiếu sáng – chuyển từ bóng Compact sang đèn Led giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống trong vườn thanh long, đã giúp hấp thu khí carbon do cây thanh long thải ra. Ước tính trồng 100-300 cây thân gỗ/ha, hấp thụ được 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20-45% lượng phát thải tại trang trại.

Tại hội thảo, đại diện các hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long đã nêu những bài học kinh nghiệm trong hành trình canh tác thanh long giảm phát thải kính, đồng thời nêu nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư vào trang thiết bị sản xuất thanh long.

Giải đáp về vấn đề này, TS. Trần Văn Thể, Chuyên gia tư vấn tài chính Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC Việt Nam”, cho biết có nhiều nguồn vốn tài chính xanh tại Việt Nam mà các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tiếp cận.

Tuy nhiên, hiện tín dụng xanh mới chỉ chiếm 3,6% trong tổng dự nợ cho vay của nền kinh tế, trong đó nông nghiệp chiếm 40% dư nợ của tín dụng xanh. Hiện nhiều ngân hàng đang tham gia cấp tín dụng xanh cho nông nghiệp, như: BIDV, VP bank, Vietcombank …

Tại tỉnh Bình Thuận, trong khuôn khổ Dự án, mới chỉ có 2 Hợp tác xã vay được từ khoản tín dụng xanh là Hợp tác xã Hòa Lệ và Công ty Trịnh Anh. Lý giải nguyên nhân khiến khó tiếp cận vốn tín dụng xanh, TS. Trần Văn Thể cho rằng do các hợp tác xã sản xuất thanh long thiếu các minh chứng về sản xuất xanh, chưa đáp ứng được các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chí sản xuất xanh theo quy định của các ngân hàng; thiếu số liệu trong các báo cáo… Vấn đề tài sản thế chấp, nguồn vốn tự có thấp, không có tải sản đảm bảo cũng là những trở ngại khi tiếp cận tín dụng nói chung, tín dụng xanh nói riêng.

Do đó, TS. Trần Văn Thể khuyến nghị Nhà nước và các định chế tài chính cần chuyển trạng thái mạnh mẽ từ chính sách hỗ trợ cho sản xuất xanh hiện có thành các gói tín dụng xanh, tạo cơ chế chính sách thu hút các nguồn tài chính xanh ưu tiên cho sản xuất thanh long.

Đồng thời cần tuyên truyền rộng rãi các nguồn tài chính xanh ưu đãi cho chuỗi sản xuất thanh long. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất xanh cho thanh long phù hợp với yêu cầu tín dụng xanh.