Thành ủy Hà Nội: Tận dụng những ngày “vàng” để bảo vệ Thủ đô
Tận dụng thời gian “vàng” giãn cách, kiểm soát không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố...là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đồng thời phải bảo vệ bằng được Thủ đô...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 30/7 ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ thị nêu rõ, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.
Đồng thời, việc thực hiện Chỉ thị còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan.
Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình đó, chỉ thị nhấn mạnh, nhằm tận dụng thời gian “vàng” giãn cách, kiểm soát không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố, ưu tiên tối đa cho việc bảo đảm sức khỏe, đời sống của Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đồng thời phải bảo vệ bằng được Thủ đô.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.
Từ đó, xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số một để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình của Thủ đô. Toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… cần tăng cường trách nhiệm tập thể, nhất là người đứng đầu.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, chấn chỉnh toàn diện việc triển khai, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 17/CT-UBND trên địa bàn mình quản lý, bảo đảm thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, chặt chẽ.
Đặc biệt là tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
Các địa phương, đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản tại một số quận, huyện… để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã chủ động làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm việc, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm nêu gương của các cơ quan này với cơ sở.
Bên cạnh các khu cách ly tập trung của thành phố, chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức, quyết định thành lập các khu cách ly để có thể tiếp nhận ngay công dân F1 tại địa bàn khi có yêu cầu.
Cùng với phòng, chống dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội; khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.
Đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để "không ai bị bỏ lại phía sau".