17:18 27/09/2024

Tháo gỡ vướng mắc thuế cho doanh nghiệp 5 tỉnh, thành phía Nam

Vân Nguyễn

Loạt vướng mắc liên quan đến vấn đề “nóng” như thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế, hóa đơn điện tử, thuế thu nhập doanh nghiệp, nợ thuế… của nhiều doanh nghiệp đã được giải đáp tại Hội nghị đối thoại với người nộp thuế của 5 tỉnh, thành phố phía Nam…

Hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế 5 địa phương phía Nam - Tổng cục Thuế
Hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế 5 địa phương phía Nam - Tổng cục Thuế

Ngày 27/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế 5 địa phương phía Nam. Hội nghị đối thoại do ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chủ trì. Cùng với đó là sự tham dự của gần 300 doanh nghiệp và người nộp thuế của 5 tỉnh, thành phố ở Khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

LẮNG NGHE Ý KIẾN, VƯỚNG MẮC TRÊN TINH THẦN “KHÔNG NÉ TRÁNH”

Phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, không né tránh, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với mục tiêu thực sự mong muốn được nắm bắt, trao đổi, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế trong thực tiễn thực hiện các quy định, chính sách thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế cũng lắng nghe, giải quyết ngay hoặc tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội) đưa ra các giải pháp hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách và công tác quản lý thuế ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, phù hợp với tất cả loại hình doanh nghiệp nhằm giúp người nộp thuế thực hiện các chính sách thuế, nghĩa vụ thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện.

Những nội dung cơ bản được lãnh đạo các đơn vị ngành Thuế trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp và người nộp thuế tại phiên buổi sáng gồm những nội dung vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính thuế như: Về lĩnh vực hoá đơn điện tử có trên 30 nội dung vướng mắc; Về lĩnh vực thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế có 29 nội dung vướng mắc được trao đổi trực tiếp tại hội nghị đối thoại.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Saigon PTS cho biết công ty chuyên xuất khẩu hàng gốm sứ, mua hàng từ các nhà cung cấp ở khắp các tỉnh thành. Hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022 đã được xác minh. Tuy nhiên, đại diện công ty phản ánh do vướng mắc ở việc xác định tỷ lệ khoáng sản, mà cơ quan thuế TP.HCM “lúng túng trong xử lý”.

Hiện doanh nghiệp phải chờ cơ quan thuế xác định tỷ lệ khoáng sản tại hơn 20 nhà cung cấp ở các tỉnh thành thì không biết phải chờ đến bao lâu; và sẽ còn tiếp tục vướng ở kỳ hoàn thuế sau nữa. “Mong Tổng cục Thuế có hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương có hướng giải quyết sớm hơn”, đại diện Công ty PTS bày tỏ.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sigma Long An cũng phản ánh việc hoàn thuế hiện nay chậm hơn nhiều so với trước đây. Việc xác minh hóa đơn, công ty đối tác bỏ địa chỉ kinh doanh… khiến số thuế hoàn phải điều chỉnh nhiều lần, gây chậm trễ.

“Bên hải quan có áp dụng luồng "xanh đỏ vàng" cho thông quan, thì nên chăng ngành thuế mình cũng nên áp dụng như hải quan để nhanh hơn, vì còn công tác hậu kiểm nữa. Cứ trả tới, trả lui nhiều lần rất mất thời gian”, đại diện Công ty Sigma Long An nói.

Đại diện WinCommerce phản ánh những bất cập liên quan đến hóa đơn điện tử.
Đại diện WinCommerce phản ánh những bất cập liên quan đến hóa đơn điện tử.

Liên quan hóa đơn điện tử, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce phản ánh rằng công ty có chi nhánh phụ thuộc cùng tỉnh với trụ sở chính. Chi nhánh TP.HCM không đăng ký sử dụng hóa đơn, không kê khai, nộp thuế riêng mà trụ sở chính sẽ thực hiện. Từ đó dẫn đến chi nhánh TP.HCM không được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống hóa đơn điện tử, dẫn đến đơn vị không thể kiểm tra được thông tin hóa đơn ghi nhận trên hệ thống.

Về vấn đề này, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, thông tin từ lúc triển khai nghị định 123, hệ thống cung cấp công cụ để doanh nghiệp quản lý tốt hơn hóa đơn đầu vào - đầu ra, so với hóa đơn giấy trước đây.

Theo đó, khi đăng ký dùng hóa đơn điện tử, ngay lập tức hệ thống của cơ quan thuế sẽ cấp cho mỗi doanh nghiệp tài khoản và mật khẩu ban đầu, để truy cập vào cổng thông tin điện tử, khai thác thông tin.

Tuy nhiên trường hợp của WinCommerce tương đối đặc biệt. Có 62 chi nhánh, tài khoản không thể khai thác được toàn bộ hóa đơn đầu vào và đầu ra của tất cả đơn vị.

“Nhận thấy kiến nghị của doanh nghiệp phù hợp, nên phía cơ quan thuế ủng hộ. Vừa qua đã tham mưu để trình Chính phủ, nhằm sửa đổi điều 47 thuộc nghị định 123. Khi quy định được sửa đổi hoàn tất, sẽ cho phép doanh nghiệp tra cứu được toàn bộ trên tài khoản chung, rất thuận lợi”, ông Toàn cho biết.

Bên cạnh những nội dung được giải đáp trực tiếp tại hội nghị đối thoại, có một số nhóm nội dung kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành và liên quan đến chính sách quy định trong các Luật và Nghị định đã được Ban Tổ chức tổng hợp để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phối hợp giải quyết.

LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NỘP THUẾ

Kết luận phiên đối thoại, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định: “Mặc dù vẫn còn đó những vấn đề về chính sách, thủ tục hành chính và sự tuân thủ của doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cần phải xem xét thấu đáo hơn, tuy nhiên buổi đối thoại đã mở ra một tinh thần cầu thị, lắng nghe và hợp tác giữa cơ quan thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế".

Cũng theo ông Mai Sơn, trong những năm qua, với mục tiêu và phương châm “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế luôn nỗ lực, chú trọng đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, cung ứng các dịch vụ thuế điện tử và công cụ hỗ trợ tối đa giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi.

“Đặc biệt, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế vượt qua khó khăn, trước những hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, ngành Thuế đã kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều giải pháp về thuế”, ông Mai Sơn thông tin.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từ năm 2019 đến nay. Điển hình, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền thuế, phí tiền thuê đất được gia hạn, miễn, giảm trong ước khoảng hơn 102.000 tỷ đồng.

 

Để chuẩn bị tốt cho hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế đã có thư ngỏ đề nghị doanh nghiệp, người nộp thuế có vướng mắc, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách thuế, quản lý thuế và thủ tục hành chính thuế thì gửi về các cục thuế địa phương.

Ngoài ra, để lan tỏa tinh thần cởi mở, cầu thị và quyết liệt chỉ đạo xử lý vướng mắc của doanh nghiệp và người nộp thuế, ngoài việc đối thoại trực tiếp đối với doanh nghiệp thuộc 5 địa phương phía Nam, Tổng cục Thuế cũng kết nối online trực tuyến tới toàn bộ 63 cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước. Qua đó, các cục cũng nắm bắt kịp thời tinh thần xử lý, hướng dẫn giải đáp các vướng mắc… để nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong quản lý và giải quyết các vướng mắc tương tự của các doanh nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người nộp thuế.