Tháp cao tầng: Biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới
Hãy cùng chiêm ngưỡng những công trình tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới...
Trong hội họa, bức tranh được coi là hoàn hảo khi có một điểm nhấn thu hút mọi ánh nhìn của người xem. Trong lĩnh vực kiến trúc đô thị hiện đại, các tòa tháp cao tầng chính là những điểm nhấn tạo nên những bức tranh hoàn hảo khi trở thành các công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành tựu phát triển kinh tế, dịch vụ, khoa học công nghệ, và trở thành biểu tượng của thành phố, của quốc gia thậm chí của cả khu vực.
Hãy cùng chiêm ngưỡng những công trình tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.
TÒA NHÀ BURJ KHALIFA (CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả - RẬP THỐNG NHẤT - UAE)
Tòa tháp Burj Khalifa cao 828 m với 161 tầng hiện là tòa nhà cao nhất thế giới cũng là biểu tượng của thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE) và khu vực Trung Đông. Công trình được xây dựng trong vòng 19 năm, chính thức khánh thành vào năm 2010. Tòa tháp là tổ hợp thương mại gồm nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp được thiết kế bởi Công ty tư vấn thiết kế Skidmore, Owings & Merrill (SOM).
THÁP WILLIS (HOA KỲ)
Công ty SOM còn là tác giả của một công trình đáng tự hào khác – Tháp tài chính Willis – một trong những biểu tượng của thành phố Chicago (Hoa Kỳ) và là tòa nhà cao nhất thế giới trong vòng 25 năm (1973-1998) trước khi bị Tháp đôi Petronas vượt qua. Với chiều cao 527 m cùng 110 tầng nổi và 3 tầng hầm, đây là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Hãng hàng không hàng đầu thế giới United Airlines.
THÁP ĐÔI PETRONAS (MALAYSIA)
Tại Thủ đô Kuala Lampur (Malaysia), Tháp đôi Petronas (452 m) cũng từng được giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới trong giai đoạn 1999-2004, là niềm tự hào của khu vực Đông Nam Á. Đến nay, Petronas vẫn là tòa tháp đôi cao nhất thế giới với 88 tầng nổi, 5 tầng hầm, do Pelli Clarke & Partners tư vấn thiết kế.
Pelli Clarke & Partners cũng là đơn vị tư vấn xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (415 m), tòa nhà cao thứ hai và một trong những biểu tượng thịnh vượng của đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).
THÁP THƯỢNG HẢI (TRUNG QUỐC)
Là quốc gia sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời nhất, khi tới các thành phố ở Trung Quốc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình cao tầng ấn tượng như: tòa Tháp Thượng Hải (632 m) cao thứ ba thế giới - nổi bật tại trung tâm thành phố cảng phía Đông Trung Quốc; Tháp Tài chính quốc tế Bình An (Thâm Quyến) và các Tháp Tài chính CTF biểu tượng của các thành phố Thiên Tân và Quảng Châu…
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sở hữu nhiều công trình nổi tiếng khác như tòa nhà China Zun (527 m) – cao nhất thành phố Bắc Kinh hay Tháp tài chính KK (Thâm Quyến, 442 m) đều được tư vấn thiết kế bởi công ty TFP Farrells.
CUỘC THI TUYỂN PHƯƠNG ÁN KIẾN TRÚC THÁP TÀI CHÍNH 108 TẦNG VỚI TẦM NHÌN VỀ BIỂU TƯỢNG MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HÀ NỘI VÀ VIỆT NAM
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NHSC), liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) vừa công bố tổ chức Cuộc thi tuyển Phương án kiến trúc Tháp 108 tầng thuộc dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Hội đồng thi tuyển bao gồm các lãnh đạo và các chuyên gia hàng đầu quốc tế và Việt Nam đến từ Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội, các Hội và các Viện hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị và kiến trúc tại Việt Nam.
Tháp Tài chính 108 tầng dự kiến sẽ là tháp cao nhất Việt Nam và là một trong những tòa tháp cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Tháp Tài chính 108 tầng là một siêu tổ hợp công trình hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế tại vị trí cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Nội Bài và Thành phố Hà Nội với nhiều chức năng như văn phòng, thương mại, khách sạn, du lịch… trở thành điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư.
Ý tưởng thiết kế Tháp Tài chính 108 tầng sẽ nhấn mạnh hệ thống thương mại, dịch vụ, văn hóa gắn với các ga đường sắt đô thị, kết hợp các khu vực công trình đầu mối giao thông xây dựng không gian mở, quảng trường... Ngoài ra, công trình cần đảm bảo phòng cháy chữa cháy, hài hòa với các công trình văn hóa, biểu tượng, nghệ thuật đường phố... tạo lập không gian điểm nhấn trong đô thị, xứng đáng là biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển của huyện Đông Anh, của Thủ đô Hà Nội và của cả Việt Nam.