18:17 20/05/2024

Thế giới đang thiếu những khoáng sản cần thiết cho chuyển đổi xanh

Bình Minh

Chẳng hạn, nhu cầu graphite được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần trong thời gian từ nay đến năm 2040...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thế giới đang đối mặt với tình trạng khan hiếm các khoáng sản cần thiết cho việc sản xuất ô tô điện, turbine gió, và các công nghệ năng lượng sạch khác để giúp giảm dần, tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.

Trong một báo cáo công bố cách đây ít ngày, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng sự sụt giảm mạnh mẽ của giá lithium, cobalt, nickel và graphite trong năm ngoái là “tin tốt cho người tiêu dùng”, nhưng cũng chính sự sụt giảm đó lại dẫn tới giảm đầu tư vào việc khai thác các khoáng sản quan trọng này.

Cũng theo định chế có trụ sở ở Paris, Pháp, thế giới đang đứng trước khả năng đến năm 2025 chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu đồng và 50% nhu cầu lithium.

“Sự ham thích của thế giới đối với những công nghệ như tấm pin năng lượng mặt trời, ô tô điện và pin xe điện đang tăng nhanh, nhưng chúng ta không thể thoả mãn nhu cầu đó nếu không có và không mở rộng được nguồn cung cấp các khoáng sản quan trọng”, CEO Fatih Birol của IEA nói trong một tuyên bố.

Đầu tư vào khai thác các khoáng sản quan trọng tăng 10% trong năm 2023, một tốc độ mà IEA nhận định là “lành mạnh nhưng chậm hơn so với năm 2022”.

IEA dự báo nhà đầu tư sẽ cần đổ 800 tỷ USD vào các dự án khai mỏ trong thời gian từ nay đến năm 2040 để thế giới giữ được cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo của IEA nhấn mạnh rằng giá một số khoáng sản quan trọng đã giảm trở lại mức trước đại dịch, trong đó giá của các khoáng sản cần để sản xuất pin giảm đặc biệt mạnh. Nguyên nhân dẫn tới sự giảm giá này là nguồn cung tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu trong 2 năm qua, IEA cho biết. Tuy nhiên, “thị trường được cung ứng đủ hiện nay lại có thể không phải là một chỉ báo tốt về tương lai, vì nhu cầu đối với các khoáng sản quan trọng đang tiếp tục tăng”.

Chẳng hạn, nhu cầu graphite được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần trong thời gian từ nay đến năm 2040 nếu thế giới triển khai các biện pháp để ngăn sự ấm lên toàn cầu vượt quá mức 1,5 độ C.

Giá của lithium đã giảm 75% trong năm 2023, trong khi giá cobalt, nickel và graphite giảm từ 30-45%. Những cú giảm này giúp giá pin giảm 14%, theo IEA.

Hoạt động khai thác các khoáng sản quan trọng tập trung ở một số ít quốc gia làm gia tăng rủi ro khan hiếm - IEA cảnh báo. Định chế này cho rằng từ nay đến năm 2030, có tới 75% tăng trưởng nguồn cung lithium, nickel, cobalt và nguyên tố đất hiếm sẽ đến từ một vài quốc gia. Đối với những dạng graphite dùng trong pin, gần 95% tăng trưởng nguồn cung có thể đến từ Trung Quốc, theo IEA.

“Mức độ tập trung nguồn cung cao như vậy đặt ra một rủi ro đối với tốc độ chuyển đổi năng lượng, vì khiến cho các chuỗi cung ứng và tuyến cung ứng trở nên dễ thương tổn hơn trước rủi ro gián đoạn như thời tiết cực đoan, mâu thuẫn thương mại hay căng thẳng địa chính trị”, báo cáo của IEA có đoạn viết.

“Sự tập trung cao của nguồn cung đồng nghĩa rằng nguồn cung toàn cầu có thể sụt giảm mạnh nếu nguồn cung từ quốc gia sản xuất lớn nhất bị gián đoạn vì một lý do nào đó”, theo báo cáo.

Các nhà khoa học cho rằng mức độ ấm lên 1,5 độ C là ngưỡng mà nếu vượt quá, các vấn đề như nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, khan hiếm thực phẩm và nước sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc đối với thế giới.