13:51 09/04/2021

Theo dõi sát sao và phản ứng nhanh giúp cứu sống người nhồi máu cơ tim cấp

Hoài Phương

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã can thiệp mạch vành cấp cứu thành công cho cụ bà 93 tuổi bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một trong số ít những ca bệnh cao tuổi nguy kịch được cứu sống ngoạn mục.
Bệnh nhân Vũ T N (93 tuổi, Quảng Ninh) có tiền sử đái tháo đường type II, vào viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, nhịp tim chậm 30 lần/phút, huyết áp tụt 70/40 mmHg. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp, block nhĩ thất độ cao (Block A/V III) – đái tháo đường, tiên lượng tử vong cao. Ekip bác sĩ cấp cứu đã xử trí chống sốc, đồng thời kích hoạt báo động đỏ nội viện huy động sự phối hợp của các bác sĩ Tim mạch – Gây mê – Hồi sức. Bệnh nhân được hoàn tất các thủ tục hành chính nhanh chóng và chuyển xuống phòng can thiệp tim mạch. Hình ảnh chụp động mạch vành qua hệ thống chụp ảnh số hóa xóa nền DSA cho thấy đoạn 3 động mạch vành phải (nhánh chi phối của nút nhĩ thất) bị tắc hoàn toàn, cần phải tái thông tắc mạch ngay lập tức. Thạc sĩ - bác sĩ Trần Văn Quý – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy – trưởng kíp can thiệp đã thực hiện tái thông động mạch vành, đặt 1 stent phủ thuốc vào đoạn mạch bị tắc.
Theo dõi sát sao và phản ứng nhanh giúp cứu sống người nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh 1.

Hình ảnh block nhĩ thất độ cao (Block A/V III)

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, đỡ khó thở và đau ngực. Tuy nhiên sau 3 giờ đồng hồ theo dõi, bệnh nhân tiếp tục rơi vào tình trạng sốc tim, tinh thần kích thích, huyết áp 80/50 mmHg, monitor theo dõi block A/V III. Các bác sĩ đánh giá tình trạng sốc tim tái phát và nghĩ đến do tắc lại stent. Ngay lập tức, bệnh nhân được an thần, đặt ống nội khí quản, thở máy, chuyển lại phòng can thiệp tim mạch để chụp động mạch vành kiểm tra, phát hiện tắc hoàn toàn trong stent. Các bác sĩ đã tiến hành nong bóng, tái thông dòng chảy. Kết thúc can thiệp tim mạch tốt, bệnh nhân được tiếp tục được chuyển Khoa Hồi sức tích và chống độc để điều trị với các kĩ thuật hồi sức chuyên sâu như thở máy, điều trị thuốc vận mạch, thiểu niệu, lọc máu liên tục, kết hợp với kháng ngưng tập tiểu cầu kép, chống đông, ổn định màng sơ vữa… Sau 2 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân tỉnh, các chỉ số huyết động ổn định, được rút ống nội khí quản. Đến nay sau 15 ngày nằm viện, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống tốt, có thể đi lại và được xuất viện về nhà.
Theo dõi sát sao và phản ứng nhanh giúp cứu sống người nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh 2.

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Văn Quý – Phó Trưởng Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho người bệnh

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Văn Quý – Phó Trưởng Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: "Quá trình điều trị cho bệnh nhân Vũ T N rất khó khăn do bệnh nhân tuổi cao, có bệnh lý nền đái tháo đường, bị nhồi máu cơ tim, sốc tim, tắc stent và tái phát nhồi máu cơ tim nên nguy cơ tử vong gần như 99%. Rất may mắn vì nhờ theo dõi sát tình trạng người bệnh, phản ứng nhanh, chính xác, can thiệp tái thông mạch vành kịp thời, hiệu quả kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực như điều trị thuốc trợ tim, vận mạch, lọc máu liên tục… tình trạng bệnh nhân đã ổn định, chưa cần sử dụng đến giải pháp cuối cùng là kỹ thuật cao – tim phổi nhân tạo ECMO. Thành công này là động lực để chúng tôi có thêm kinh nghiệm cấp cứu, điều trị nhồi máu cơ tim cấp cho các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi". Với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, nếu bệnh nhân đến bệnh viện trễ trên 12 giờ hoặc sau 24 giờ, kể từ khi có triệu chứng khởi phát như đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, choáng váng… thì việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều mà kết quả sau cùng khó được như mong đợi. Do đó, người bệnh nên thường xuyên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo, phải tìm ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thích hợp trong thời gian sớm nhất.