Thị trường bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp Việt chiếm thế thượng phong
Nếu có giải thưởng ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam, giải thưởng đó chắc chắn sẽ thuộc về các doanh nghiệp trong nước
Nếu có giải thưởng ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam, giải thưởng đó chắc chắn sẽ thuộc về các doanh nghiệp trong nước, không chỉ bởi họ đã thay đổi cách người Việt Nam mua hàng mà còn thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ "bắt trend" thế giới tốt nhất.
"Đại gia Việt" định hình thị trường bán lẻ
Như thường lệ vào chiều thứ Bảy, anh Nguyễn Việt Cường lại đưa vợ con đến trung tâm thương mại Vincom Royal City Mega Mall mua sắm và vui chơi. Trong khi vợ anh ghé vào siêu thị VinMart để mua thực phẩm và các loại hóa mỹ phẩm gia dụng cho gia đình thì hai cậu con trai đã nhanh chóng kéo anh Cường về phía khu vui chơi cho trẻ em Tiny World. Sau đó, cả nhà anh cùng ăn tối tại khu ẩm thực của trung tâm thương mại và trở về nhà sau một ngày cuối tuần thư giãn và vui vẻ.
Ngày cuối tuần của gia đình anh Việt Cường không có nhiều khác biệt so với rất nhiều gia đình tại Việt Nam, nơi văn hóa tiêu dùng đang được nâng lên nhanh chóng, tiệm cận với các nước phát triển ở châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, trái với nhiều dự đoán khi thị trường bán lẻ Việt Nam được mở cửa hoàn toàn vào năm 2015, các doanh nghiệp nước ngoài không có nhiều vai trò trong quá trình này.
Thực tế, thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đã bắt đầu hình thành từ năm 2004 với sự xuất hiện của trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên tại miền Bắc mang tên Vincom Center Bà Triệu. Từ đó đến nay, thị trường bán lẻ trong nước không ngừng phát triển mạnh mẽ với sự dẫn dắt đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Nếu so về tầm vóc, quy mô, phân khúc hay tính phong phú, đa dạng, điển hình của một trung tâm thương mại hiện đại, có thể nói chưa thấy doanh nghiệp nước ngoài nào đạt tới sự thành công và chứng minh được sự phát triển bền vững của thương hiệu tại thị trường Việt, thậm chí đã có doanh nghiệp thoái triển như trường hợp của Parkson.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội mà tiêu biểu là Vincom ngày càng lớn mạnh, liên tục mở mới hàng loạt trung tâm thương mại ở hàng chục tình, thành phố trên cả nước, góp phần kiến tạo nên thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Riêng năm 2018, Vincom đã khai trương thêm 20 trung tâm thương mại, nâng tổng số trung tâm thương mại trên toàn hệ thống lên con số 66, hiện diện tại 38 tỉnh/thành phố trên cả nước với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ đạt xấp xỉ 1,5 triệu m2, đón tiếp 157 triệu lượt khách hàng tới trải nghiệm mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực. Các trung tâm thương mại này đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, ẩm thực, giải trí của những người tiêu dùng hiện đại như gia đình Anh Cường.
Mô hình bán lẻ "bắt trend" nhất Việt Nam
Trên thị trường Việt Nam, ngoài hệ thống Vincom, hầu hết các trung tâm thương mại lớn đều do các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu. Điều này vô hình chung khiến các nhà bán lẻ trong nước khó tiếp cận các kênh bán lẻ hiện đại, các tổ hợp trung tâm thương mại đa dịch vụ để gia tăng sự hiện diện của mình trong mắt người tiêu dùng.
Thậm chí, có trung tâm thương mại của nước ngoài còn đưa ra những ưu đãi lớn dành riêng cho các doanh nghiệp nước họ nếu hệ thống Vincom đã tạo ra cơ hội cho các nhà bán lẻ "nội" xuất hiện nhiều hơn tại những địa điểm sang trọng, hiện đại, giúp nâng tầm thương hiệu của các doanh nghiệp này.
Không chỉ vậy, sự phát triển của Vincom tạo ra hiệu ứng thúc đẩy các nhà bán lẻ trong nước cùng lớn mạnh theo thời gian, tạo thành các chuỗi bán lẻ Việt đẳng cấp với giá trị thương hiệu ngày càng tăng như Canifa, An Phước, chuỗi ẩm thực của Golden Gate…
Đối với các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới, việc Vincom sở hữu hệ thống trung tâm thương mại Vincom lớn nhất cả nước và tiếp tục được mở rộng nhanh chóng chính là điểm lựa chọn tin cậy, hấp dẫn đầu tiên của họ khi thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tất cả các tiêu chuẩn, yêu cầu vô cùng khắt khe về diện tích, dịch vụ, tiện ích của các thương hiệu này đều được đáp ứng bởi Vincom và điều đó đã biến Vincom trở thành "nhà" của những Zara, H&M, Gap, Xiaomi…, qua đó nâng tầm thị trường bán lẻ Việt Nam lên tiệm cận với thị trường khu vực và thế giới.
Sự phát triển của Vincom tương tự mô hình của Simon Group (Mỹ), Siam (Thái Lan), Dubai Mall (Dubai, UAE)… Khác với các đại gia ngoại chỉ tập trung tại Hà Nội và Tp. HCM, Vincom đã liên tục mở rộng tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam và nhanh chóng chiếm lĩnh vai trò "điểm đến" tại mỗi đia phương.
Đại gia này cũng không dừng ở mô hình "tất cả trong một" mà liên tục đón đầu xu hướng, với các mô hình khác nhau phù hợp với từng điểm hiện diện. Và khi các đối thủ còn đang loay hoay với bài toán mở rộng thì Vincom đã nhanh nhạy đưa thêm tiện ích và công nghệ vào mua sắm nhằm tăng trải nghiệm thoải mái cho khách hàng, nhanh nhạy không kém các mô hình mua sắm hiện đại trên thế giới.
Nói về vai trò của các nhà cung cấp mặt bằng bán lẻ nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ tự tin: "Chúng ta có thể kỳ vọng Vincom Retail sẽ cùng các đối tác bán lẻ chuỗi để có sự phối hợp cao trong việc tạo ra một môi trường mua sắm, giải trí và hấp dẫn liền mạch, mang đến những trải nghiệm mới mẻ và khác biệt cho người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam".